1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ việc Ngân hàng SCB ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội của TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vụ việc của Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TPHCM và cả nước.

Chiều 1/11, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022. Trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19, TPHCM đã có nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Tính đến nay, TPHCM đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,97%, dự kiến sẽ đạt mức 9,44% trong năm 2022, vượt xa so với mục tiêu ban đầu (6,5%). Địa phương cũng thu ngân sách đạt hơn 393.000 tỷ, đạt 101% so với kế hoạch đầu năm.

Vụ việc Ngân hàng SCB ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội của TPHCM - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, tại hội nghị (Ảnh: HMC).

"Bên cạnh những kết quả đó, trong tháng 10, thành phố đã xuất hiện nhiều vấn đề bất lợi, tác động tiêu cực. Trong đó, tình huống của Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TPHCM và cả nước", ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Bên cạnh đó, tình hình cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn cũng tạo tâm lý không an tâm, thiếu tin tưởng và ảnh hưởng nhiều tới đời sống, sinh hoạt của người dân, hoạt động kinh tế - xã hội. Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá, có biện pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của vụ việc liên quan tới Ngân hàng SCB và hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Nêu ra những thách thức thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết xu hướng giảm tăng trưởng, tăng lạm phát, chi phí, lãi suất của thị trường thế giới đã bắt đầu ảnh hưởng tới địa bàn. Một số ngành công nghiệp sản xuất bị suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống công nhân cùng với giá cả leo thang, đặt ra cho TPHCM bài toán về an sinh xã hội.

Vụ việc Ngân hàng SCB ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội của TPHCM - 2

TS Trần Du Lịch phân tích về những thách thức TPHCM phải đổi mặt thời gian tới (Ảnh: HMC).

Ông Phan Văn Mãi cũng chỉ rõ, một vấn đề lớn của thành phố là tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở mức rất thấp so với bình quân cả nước. Mặt khác, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, thái độ công vụ tại một số nơi chưa tốt, chưa hiệu quả.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị tập trung cho công tác tổng kết năm 2022, gắn với nội dung tổng kết một năm phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023. 

Thành phố dự kiến phải đối mặt với nhiều khó khăn của thị trường trong nước và thế giới. Do đó, TPHCM cần đặt trọng tâm là dùng nội lực để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông dư địa để phát triển.

Đối với vấn đề giải ngân đầu tư công, TPHCM đã lên kế hoạch, giải pháp, thời hạn giải quyết, tỷ lệ giải ngân theo từng giai đoạn cho mỗi dự án. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, vấn đề còn lại là người điều hành, chủ đầu tư thực hiện ra sao để đảm bảo kế hoạch, tiến độ.