Vụ Vận tải lên tiếng việc taxi ngoại tỉnh đổ về Hà Nội

(Dân trí) - Liên quan việc hàng nghìn xe taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép nhưng không hoạt động tại các địa phương này mà thường xuyên “tụ” về Hà Nội kiếm khách, gây sức ép cho giao thông Thủ đô, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Sở GTVT các tỉnh phải giám sát để các xe taxi này hoạt động thường xuyên trên địa bàn nơi được cấp phù hiệu.

Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Xe taxi phải hoạt động thường xuyên tại địa phương được cấp phù hiệu (Ảnh minh họa internet).
Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Xe taxi phải hoạt động thường xuyên tại địa phương được cấp phù hiệu (Ảnh minh họa internet).

Taxi phải hoạt động thường xuyên tại địa bàn nơi được cấp phù hiệu

Mới đây, Báo điện tử Dân trí đã đăng tải bài viết “Bất lực với hàng nghìn taxi ngoại tỉnh “đổ” về Hà Nội hoạt động”, phản ánh hàng nghìn xe taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh,… cấp phù hiệu nhưng lại hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, gây sức ép lớn cho giao thông Thủ đô Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông,…

Liên quan đến nội dung này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT). Ông Ngọc cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng xe taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn”. Nội dung này là một trong các quy định để bảo đảm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Vụ Vận tải lên tiếng việc taxi ngoại tỉnh đổ về Hà Nội - 2

Nhiều hãng taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép nhưng lại thường xuyên về Hà Nội hoạt động.
Nhiều hãng taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép nhưng lại thường xuyên về Hà Nội hoạt động.

Chính vì vậy, việc các xe taxi tham gia kinh doanh vận tải hành khách được các Sở GTVT cấp phù hiệu, phải hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi Sở GTVT cấp phù hiệu, như vậy mới bảo đảm đúng việc thực hiện quy hoạch của UBND tỉnh, thành phố theo quy định của Nghị định.

Bên cạnh đó, các Sở GTVT thực hiện chức năng quản lý vận tải khách bằng xe taxi thông qua việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu cho phương tiện tham gia kinh doanh, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện kinh doanh… để bảo đảm hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi theo đúng quy định của Nghị định, Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác có liên quan; một trong các quy định đó chính là phải thực hiện đúng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt cũng như phải thực hiện đúng phương án tổ chức bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông của đơn vị vận tải khi xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải.

“Việc các xe taxi tham gia kinh doanh vận tải hành khách được các Sở GTVT cấp phù hiệu về hoạt động thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội theo như Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo sẽ ảnh hưởng đến giao thông đô thị, làm tăng số lượng phương tiện tham gia giao thông…” – ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng nêu trên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo: Các Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi phương tiện taxi qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) để quản lý và yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký, đảm bảo phương tiện taxi đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại địa phương nơi được cấp phù hiệu.

Sở GTVT Hà Nội thông báo kịp thời đến các Sở GTVT để phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm theo quy định.

Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội rà soát quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi để bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Thủ đô.

Không phải cứ “đẻ con ra” rồi mặc cho xã hội “dạy bảo”

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT cần có cơ chế quản lý, chỉ đạo Sở GTVT các địa phương tăng cường việc kiểm tra, theo dõi phương tiện taxi qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) để quản lý, giám sát và yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký, đảm bảo phương tiện taxi được cấp phù hiệu đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại địa phương đó.
Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT cần có cơ chế quản lý, chỉ đạo Sở GTVT các địa phương tăng cường việc kiểm tra, theo dõi phương tiện taxi qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) để quản lý, giám sát và yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký, đảm bảo phương tiện taxi được cấp phù hiệu đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại địa phương đó.

Trao đổi với PV Dân trí về nội dung này, đại diện Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT cần có cơ chế quản lý, chỉ đạo Sở GTVT các địa phương tăng cường việc kiểm tra, theo dõi phương tiện taxi qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) để quản lý, giám sát và yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký, đảm bảo phương tiện taxi được cấp phù hiệu đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại địa phương đó.

Cũng liên quan đến nội dung phản ánh nói trên, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc hàng nghìn xe taxi do các tỉnh cấp phù hiệu nhưng lại hoạt động thường xuyên tại Hà Nội thì trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT các tỉnh này, buông lỏng quản lý mới như vậy; giám sát chưa chặt chẽ những chiếc xe này, kiểu như “đẻ con ra” rồi phó mặc cho xã hội “dạy bảo””.

Vị chuyên gia trên lập luận tiếp: “Trong luật qui định, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành tại địa phương nơi được cấp phép, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị. Ngoài ra phải có bãi tập kết xe tại địa phương đó, giao ca hàng ngày,... Nhưng hàng nghìn xe taxi nói trên đang “bám trụ” ở Hà Nội thì trung tâm liên lạc kiểu gì (tần số của trung tâm điều hành giới hạn khoảng cách liên lạc – PV), làm gì có bãi tập kết xe ở Hà Nội nên sẽ gây tình trạng lộn xộn giao thông”.

Cũng theo vị chuyên gia trên, để khắc phục thực trạng nói này, Thanh tra Sở GTVT các tỉnh cần giám sát chặt chẽ hoạt động của các hãng taxi nơi địa phương mình cấp phép phải hoạt động đúng theo qui định là sẽ đi vào nề nếp.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại văn bản số 404/TB-BGTVT ngày 18/10/2011, Sở GTVT Hà Nội đã tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và hạn chế gia tăng số lượng xe của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Hiện Sở GTVT Hà Nội cũng đang thực hiện việc định hướng phát triển số lượng phương tiện trong khuôn khổ Đề án taxi của Hà Nội.

Theo thống kê sơ bộ tính đến tháng 7/2016, Sở GTVT Hà Nội đã xác nhận 7.598 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Qua rà soát, một phần lớn các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội (khoảng gần 3.000 xe).

Nguyễn Dương