1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tràn dầu: Sẽ truy tìm thủ phạm để buộc bồi thường

Trước hiện tượng dầu loang trôi dạt vào vùng biển miền Trung, Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đến hiện trường tiến hành khảo sát nhằm tìm nguyên nhân, đánh giá tác động ô nhiễm và đưa ra biện pháp xử lý.

Chiều 7/2, tiến sĩ Trần Hồng Hà - Cục trưởng Cục Môi trường - cho biết: “Trên cơ sở khảo sát thực tế, ý kiến chuyên gia và tính chất vật lý của loại dầu gây ô nhiễm, có thể nhận định đây là một loại dầu thô. Như vậy có thể xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này là hậu quả của một sự cố tràn dầu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hoặc vận chuyển dầu khí. 

 

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế thu thập các chứng cứ và kết quả phân tích để điều tra, nhằm sớm xác định thủ phạm gây ô nhiễm để xử lý theo quy định của pháp luật”.

 

Xin ông cho biết về tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả dầu tràn nêu trên ở các địa phương hiện nay thế nào?

 

Ngay sau khi xác định được hiện tượng ô nhiễm môi trường do dầu, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II và Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, cùng UBND các địa phương bị ảnh hưởng nói trên đã kịp thời huy động các lực lượng triển khai công tác ứng phó, thu gom và xử lý.

 

Tuy nhiên, sự cố ô nhiễm dầu lần đầu xảy ra ở khu vực miền Trung nên việc phát hiện, trao đổi thông tin và công tác ứng phó còn lúng túng và chưa được triệt để.

 

Ô nhiễm môi trường do dầu làm huỷ hoại các hệ sinh thái động thực vật trên biển, các hệ sinh thái nhạy cảm như san hô, rừng ngập mặn, đặc biệt tác động trực tiếp đến các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch, nông nghiệp,... Nếu ô nhiễm môi trường này không được khắc phục kịp thời thì tiếp tục có ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và sức khoẻ.

Để xử lý, bên cạnh việc tập trung thu gom và xử lý ô nhiễm dầu ven bờ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, các địa phương cần phải tiếp tục theo dõi, chủ động ứng phó và xử lý với các vệt dầu đang tiếp tục di chuyển vào đất liền.

 

Đồng thời, cần phải chủ động triển khai công tác điều tra, đánh giá tác động môi trường, ưu tiên đánh giá tác động đối với các khu bảo tồn thiên nhiên, các rạn san hô, rừng ngập mặn... để có ngay các biện pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại.

 

Đấy là những biện pháp xử lý trước mắt, vụ gây ô nhiễm dầu này sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

 

Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền điều tra, nhằm xác định thủ phạm gây ô nhiễm để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Để có cơ sở pháp lý cho việc đánh giá và buộc bồi thường thiệt hại khi truy tìm được nguồn gây ô nhiễm, các địa phương, các sở, ban ngành và những người dân chịu tác hại của sự cố ô nhiễm dầu nêu trên cần chuẩn bị các chứng cứ, hồ sơ tài liệu liên quan đến các chi phí khắc phục sự cố, chi phí cải tạo và phục hồi môi trường, các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các ngành du lịch, thuỷ sản, nông nghiệp... sức khoẻ cộng đồng bị ảnh hưởng do việc ô nhiễm dầu, để làm căn cứ pháp lý đòi thủ phạm gây ô nhiễm phải bồi thường.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Ông Nguyễn Trần Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung - cho biết: Tính đến ngày 7/2, các vùng biển bị ảnh hưởng vụ tràn dầu đã hoàn tất việc thu gom. Tình trạng dầu vón cục tràn vào đất liền còn rất ít.

 

Đến thời điểm này nguyên nhân sự cố trên vẫn chưa xác định được. Số lượng dầu thu gom đã được chuyển đến trung tâm xử lý tại Đà Nẵng.

 

Cũng trong ngày này, đoàn công tác của Bộ TNMT do Trần Hồng Hà - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường dẫn đầu đã thị sát và làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng sự cố tràn dầu như: Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng...

 

Đoàn đã thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng TNMT Mai Ái Trực là tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, ô nhiễm và thiệt hại về kinh tế, môi trường trên địa bàn để làm căn cứ xử lý trách nhiệm khi truy ra nguồn gây ô nhiễm. Đoàn đã lấy mẫu dầu đưa về Hà Nội phân tích và đánh giá mức độ thiệt hại tại các địa phương.

 

Đến nay, ô nhiễm môi trường do dầu đang lan rộng trên địa bàn các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Theo thống kê ban đầu, các địa phương đã thu gom được 212 tấn dầu, ước tính lượng dầu trôi dạt vào bờ có thể trên 400 tấn.

 

Theo thông báo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II và Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, hiện nay có 3 vết dầu loang mỏng gần bờ, vón cục từ bắc Hội An - tỉnh Quảng Nam đến Nam Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng. Vì vậy, trong thời gian tới trên địa bàn các tỉnh nói trên và một số tỉnh lân cận còn tiếp tục có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường do dầu. 

 

Theo Công Thắng

Lao Động