1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tiêu cực tại Công ty Gò Môn: Chỉ 3 bị cáo nhận tội

(Dân trí) - Các luật sư cho rằng, lời buộc tội của VKS là thiếu cơ sở, đáp lại đại diện VKS “bác” lời bào chữa của các luật sư. Ngày 17/6, phiên tòa xét xử vụ tiêu cực tại Công ty Gò Môn tiếp tục phần tranh luận và chỉ có 3 bị cáo nhận tội.

Vụ tiêu cực tại Công ty Gò Môn: Chỉ 3 bị cáo nhận tội - 1
Các bị cáo tại phiên tòa.

Trong phần bào chữa, các luật sư đều cho rằng, việc kết tội các bị cáo của Viện kiểm sát (VKS) là thiếu căn cứ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan (bị truy tố tội danh “đưa và nhận hối lộ” và “vi phạm các quy định về sử dụng đất”) nhận định việc mua bán đất và sang nhượng đều là những giao dịch dân sự.

Bản thân 13 hộ dân phường 12, quận Gò Vấp và công ty xây dựng Gò Vấp cũng không hề kiện bà Lan ra tòa. Chính hành vi này không cấu thành tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất”. Do đó, sẽ không thể có tội “đưa và nhận hối lộ” đối với các bị cáo.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Kim Long, luật sư cho rằng, VKS đánh giá không khách quan về thái độ khai báo của các bị cáo. Cụ thể là khi bị cáo khai báo theo hướng nhận tội thì VKS chấp nhận nhưng khai báo trái với cáo trạng thì bị cho là “quanh co chối tội”. Vì vậy, luật sư đề nghị VKS cần đưa ra chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo chứ không thể kết tội bằng suy luận.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Hồ Tùng Lâm, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng buộc tội thân chủ mình dựa vào một số bản cung mà không có sự tham gia của luật sư là không đúng pháp luật nên yêu cầu cần phải hủy bỏ.

Theo luật sư, hành vi nhận 200 triệu đồng của bị cáo Lâm không thể xem là nhận hối lộ vì khi đưa tiền cho bị cáo Lâm, bị cáo Châu không hề cho biết đây là tiền gì. Vì vậy, cơ quan tố tụng truy tố tội nhận và đưa hối lộ e rằng không chính xác.

Luật sư còn cho rằng VKS truy tố bị cáo Long, Lâm và Châu tội đưa hối lộ để chạy án là không đúng. Luật sư lý giải, nếu quy kết các bị cáo này đưa hối lộ thì phải chỉ rõ ai là người nhận hối lộ, số tiền đưa hối lộ sẽ vào tay ai.

Bị cáo Nguyễn Minh Hoàng nhận tiền của các bị cáo này lại bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua đó, nếu bị cáo Hoàng lừa đảo thì bị cáo Châu và bị cáo Lâm là nạn nhân của Hoàng chứ không thể coi là đưa hối lộ được.

Cuối cùng, các luật sư đề nghị VKS rút lại lời buộc tội đối với các bị cáo.

Đáp lại phần bào chữa của các luật sư, Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định buộc tội các bị cáo là đúng người, đúng tội. Cơ sở để VKS cáo buộc là dựa vào lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và phiên tòa xử sơ thẩm lần một.

Vì thế VKS cho rằng, việc truy tố tội danh các bị cáo của cơ quan tố tụng là phù hợp và lời bào chữa của các luật sư thiếu căn cứ.

Trong phần nói lời sau cùng, 4 bị cáo: Phạm Thị Tuyết Lan; Nguyễn Văn Tính, Trần Kim Long và Nguyễn Minh Châu vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo này cho rằng mình bị oan và đề nghị HĐXX xem xét lại trên cơ sở các tranh luận của luật sư bảo vệ cùng với các tình tiết mới tại các phiên tòa.

Ba bị cáo Hồ Tùng Lâm, Dương Công Hiệp, Nguyễn Minh Hoàng thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại tòa và đề nghị HĐXX xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ để nhận được sự khoan hồng.

Do vụ  án có nhiều tình tiết cần phải xem xét, cân nhắc để xử đúng người đúng tội, HĐXX sẽ nghị án 4 ngày trước khi tuyên án vào sáng ngày 22/6/2010.

Công Quang