Vụ thuyền viên bị cướp biển bắn: “Chỉ mong đưa được xác con về”
(Dân trí) - Tại gia đình của thuyền viên bị cướp biển bắn chết, cô con gái 5 tuổi của anh chưa thể hình dung về sự mất mát khi vẫn ngây thơ hỏi, “bao giờ bố cháu về”. Còn người mẹ của thuyền viên khóc cạn nước mắt, chỉ mong được sớm đón thi thể của đứa con trai duy nhất trở về...
Như Dân trí đã thông tin, vào lúc 06h20 sáng 7/12, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin báo nạn từ tàu VP Asphalt 2 (IMO: 9616395) thuộc Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vipco. Theo đó, tàu VP Asphalt 2 với 16 thuyền viên, chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng đang hành trình từ Singapore về Gò Dầu, Việt Nam, khi tàu cách Singapore khoảng 60 hải lý thì bị cướp biển tấn công.
Sau khi lục soát một số phòng thuyền viên và kiểm tra hàng hóa, cướp biển rời đi. Lúc này, những người trên tàu phát hiện thuyền viên Trần Đức Đạt đang nằm trong phòng và bị bắn vào trán, máu chảy rất nhiều, hôn mê.
Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Singapore đã cử ngay trực thăng đưa thuyền viên về bờ. Anh Trần Đức Đạt đã tử vong sau đó do vết thương quá nặng.
Ban thờ chưa di ảnh
Từ sáng sớm nay (8/12), nhà của sĩ quan máy 3 Trần Đức Đạt đã đông kín người, trong đó chủ lực là các anh em thuyền viên từ công ty vận tải xăng dầu VP nơi anh Đạt công tác. Nước mắt, sự thương tiếc bao trùm ngôi nhà nhỏ. Ban thờ của anh Đạt đã được gia đình, bạn bè lập sẵn chờ đón thi thể người xấu số. Di ảnh của anh chưa kịp dựng lên, không gian trở nên lạnh lẽo. Người mẹ già khóc cạn nước mắt khi nhận được tin con trai duy nhất của mình tử nạn.
Bà Đỗ Thị Huệ, năm nay 65 tuổi, mẹ của máy 3 Trần Đức Đạt, trong ánh mắt mọng nước, khản giọng kể về con trai mình trong đau đớn: “Nhà có 4 đứa con, Đạt là con trai duy nhất, cũng là chỗ dựa duy nhất của vợ chồng tôi lúc xế chiều. Em nó là đứa con ngoan, có hiếu với bố mẹ. Vì thế khi lập gia đình, nó không ra ở riêng mà sống cùng chúng tôi. Tôi không thể tin được mình mất đi đứa con trai trong hoàn cảnh này. Cướp biển tưởng chỉ có trong phim chứ không ngờ có ngày con mình lại mất mạng dưới bàn tay chúng nó. Vợ chồng tôi già rồi, con nó hai đứa còn bé trong vòng tay chăm bẵm. Giờ làm sao đây hả cháu?”.
Bà nói đến đó rồi khóc nghẹn. Người mẹ già này, đến lúc mất còn chẳng còn cần gì, chẳng biết chờ đợi gì ngoài việc được đón con về nguyên vẹn, nhìn mặt con lần cuối. Tâm sự với phóng viên bà kể: “Người ta bảo sẽ tổ chức thiêu rồi đưa tro cốt Đạt về nhưng tôi đau lòng lắm. Vợ chồng tôi khẩn thiết mong mỏi được đưa xác con tôi về. Vợ trẻ con thơ, bố mẹ già giờ nhận lại lọ tro của con thì đau xót lắm. Thôi phong tục bản quán mình có rồi, mong đưa được con về, để phận già chúng tôi nhìn mặt con lần cuối rồi anh em, xóm giềng đưa tiễn con tôi đi lần cuối.
Nguyện vọng này cũng là mong mỏi của các thuyền viên cùng công ty của anh Đạt. Họ muốn được nhìn mặt người đồng nghiệp đã không ít chuyến vượt đại dương cùng họ. Muốn được thả nắm đất lạnh, muốn được buông cành hoa xuống mộ bạn mình...”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, phía công ty vận tải xăng dầu VP đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam và nước bạn Singapo để được chuyển thi thể anh về quê nhà an táng theo phong tục.
“Khi nào bố cháu về?”
Thứ Hai tuần trước, tức ngày 1/12, anh Đạt chính thức nhận lệnh lên tàu VP Asphalt 2 đảm nhận chức vụ sĩ quan máy 3 (3E) tiếp tục hành trình chở hàng đi Viễn Dương. Anh Đạt vừa chỉ chia tay gia đình đúng được một tuần. Thứ Hai đầu tuần lên tàu thì cuối tuần nhận được tin anh thiệt mạng. Sự xa cách, nỗi nhớ của người vợ trẻ và hai đứa con thơ chưa thôi day dứt thì nỗi đau đã ập đến.
Nỗi đau bao trùm lấy ngôi nhà anh Đạt, những giọt nước mắt không thôi lăn dài trên những khuôn mặt của người thân
Từ sáng sớm, vợ anh, chị Bùi Thị Huyền, 32 tuổi đã cùng bố và các chị gái của chồng đi làm các thủ tục liên quan đến hộ chiếu để mong được sang nước bạn đưa thi thể chồng về. Chị gần như im lặng trước tất cả các lời hỏi thăm mà chỉ biết lặng lẽ khóc. Trong đôi mặt của chị lộ rõ sự cô đơn và sự mất mát vô hạn.
Trước ban thờ anh Đạt, đứa con gái 5 tuổi chốc chốc lại chạy ra tìm bố. Khi thấy các chú các bác cùng công ty bố đến thăm, con bé sà vào lòng ngây thơ hỏi, "khi nào bố Đạt cháu về". Câu hỏi ấy như xoáy vào tim của các thủy thủ vốn rất mạnh mẽ trước sóng gió. Họ lặng lẽ ôm đứa con của người thuyền viên xấu số vào lòng rồi khóc, né đi câu trả lời với con trẻ. Đứa con gái thứ hai của anh Đạt mới 3 tuổi, buổi sáng đã được hàng xóm đón đi nhà trẻ bởi nhìn thấy cháu, ông bà nội lại cảm thấy đau đớn gấp bội.
Căn nhà của người thuyền viên xấu số có rất đông người tới chia buồn, đa số là những thuyền viên đã từng đi chung tàu với anh Đạt
Còn anh Phạm Văn Tuyên, thợ máy, thuyền viên công ty vận tải xăng dầu VP không nói nên lời khi nhìn thấy cảnh bố mẹ già, con thơ của Đạt: “Chúng tôi chấp nhận công việc này biết là nguy hiểm nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc phải bỏ mạng... Và khi một người bạn biển của chúng tôi không may ngã xuống là chúng tôi như mất đi một phần thân thể mình. Rồi đây hai đứa con bé dại của Đạt sẽ sống sao khi không còn bố. Người vợ trẻ sẽ mất mát thế nào khi mất hẳn người chồng ở tuổi còn quá trẻ như thế này”.
Ông Trần Đức Dưỡng, bố đẻ của Trần Văn Đạt, thì gần như không đứng vững khi nhìn thấy bạn bè đồng nghiệp của con mình. Trong dáng người gầy nhỏ ông run run bám chặt vào thành bàn như cố bám víu vào sự chịu đựng cuối cùng của người cha già mất con trong đau đớn. Bà con lối xóm đến chia buồn, ông cũng chỉ biết đáp lại họ thay lời cảm ơn bằng thông tin “khả năng là tối mai cháu nó sẽ về đến nhà”. Gia đình ông đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và công ty nỗ lực giúp đỡ hoàn tất các thủ tục đưa thi thể anh Đạt về Việt Nam.
Chị Bùi Thị Thu Hạnh, chị gái vợ của anh Đạt, người trực tiếp sẽ cùng gia đình sang Singapo nhận thi thể anh Đạt cho biết: “Trong đêm nay gia đình sẽ bay sang bên đó. Sáng nay, gia đình đã nhận được sự giúp đỡ hết sức linh động, nhiệt tình trong việc làm các thủ tục từ phía Công ty vận tải xăng dầu VP, Phòng xuất nhập cảnh, công an thành phố Hải Phòng cùng với Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapo. Trong lúc đau thương này, gia đình chỉ biết nói lời cảm ơn và ghi tạ sâu sắc”.
Thu Hằng