Vụ tân sinh viên bị phê “chưa chấp hành”: Đính chính của xã vẫn sai?
(Dân trí) - Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chính quyền xã phường khi phê vào lý lịch không cần ghi nội dung chấp hành pháp luật hay không mà chỉ cần xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch của người khai đúng hay không. Tuy nhiên, trong bản “đính chính”, lãnh đạo xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) tiếp tục nhận xét em Ngô V.A và gia đình "luôn chấp hành pháp luật".
Ngày 8/8, em Ngô V.A. mang hồ sơ đến xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) xin xác nhận để làm hồ sơ nhập học thì cán bộ ở đây cho biết, gia đình em chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới (hơn 400.000 đồng). Muốn được xác nhận thì gia đình em Ngô V.A. phải đóng đủ tiền cho địa phương.
Sau nhiều lần gia đình trình bày hoàn cảnh khó khăn nên chưa đóng được tiền chứ không phải không đóng, cán bộ xã Duyên Hà vẫn phê vào lý lịch của em Ngô V.A. với nội dung “bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, quy định của địa phương”.
Sau khi nhận ra thiếu sót, lãnh đạo xã Duyên Hà đã xin lỗi em Ngô V.A và gia đình.
Ông Nguyễn Đăng Huấn – Chủ tịch UBND xã Duyên Hà - yêu cầu cán bộ xã xác nhận lại sơ yếu lý lịch cho em Ngô V.A. kịp nhập trường trong thời gian tới. Bản lý lịch mới của em Ngô V.A được xã Duyên Hà “đính chính” từ việc “chưa chấp hành” thành “luôn chấp hành” chủ trương chính sách.
Công văn hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu rõ trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Trong công văn hướng dẫn trên, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nêu rõ đơn vị này nhận được nhiều phản ánh về việc một số địa phương xác nhận vào sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung “không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước” do những hộ gia đình này không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương.
Trước vấn đề trên, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - nhận định, thời gian qua, việc xác nhận sơ yếu lý lịch của công dân của UBND cấp xã/phường làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân sự của người dân. Việc xác nhận về nội dung làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân pháp luật chưa có quy định cụ thể.
“Bộ Tư pháp đã có văn bản số 1520 của hướng dẫn chi tiết về việc xác nhận sơ yếu lý lịch gửi đến Sở Tư pháp các tỉnh, thành thành triển khai thực hiện. Để xảy ra tình trạng nêu trên, cũng cần phải bàn đến trách nhiệm của Sở Tư pháp các tỉnh, thành đã đã làm tròn trách nhiệm phổ biến nội dung công văn 1520 đến cấp xã/phường hay chưa.” - luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, căn cứ vào văn bản của Bộ Tư pháp, UBND cấp xã/phường không có thẩm quyền nhận xét về phẩm chất đạo đức, lối sống vào sơ yếu lý lịch của cá nhân mà chỉ có trách nhiệm xác thực người đó có ở địa phương hay không, những nội dung ghi trong sơ yếu lý lịch là đúng hay không.
Tân sinh viên Ngô V.A cho biết, trong giấy báo nhập học có yêu cầu mua sơ yếu lý lịch và hoàn thiện. “Em mua hồ sơ theo yêu cầu và ngay cả các bạn em cũng mua hồ sơ giống như mẫu của em. Ở xã em bao nhiêu bạn lên ủy ban xác nhận thì cán bộ đều ghi như vậy”, em Ngô V.A nói.
Cũng cần nói thêm, hiện trong mẫu Sơ yếu lý lịch cũng vẫn có gợi ý về việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng cho biết, cán bộ xã xác nhận như vậy là chưa hợp lý mà phải làm theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Cụ thể, cán bộ xã chỉ xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.
Tuy nhiên, theo ông Cao với bản sơ yếu lý lịch mới của em Ngô V.A chính quyền xác nhận như vậy có thể là đúng vì có lợi cho người dân.
“Trong bản sơ yếu lý lịch này có yêu cầu nhận xét thì mình có thể ghi như thế bởi đã nắm rõ thông tin gia đình người ta. Nhưng nếu thông tin không có lợi cho người dân thì không được ghi mà chỉ cần xác nhận chữ ký”, ông Cao giải thích thêm.
Đồng quan điểm với luật sư Tạ Anh Tuấn, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - cho hay, trong quy định pháp luật cũng nêu cụ thể những quyền hạn, trách nhiệm cho UBND cấp xã/phường: Chỉ có quyền chứng thực chữ ký, không được chứng thực nội dung.
“Hậu quả của việc “bút phê” này gián tiếp cho thấy sự bất lực của chính quyền. Nếu gia đình người dân không đóng góp thì xã nên vận động, giải thích cho họ hiểu những cái lợi mình được hưởng từ việc đóng góp chung. Không thể có suy nghĩ họ đang cần mình, nhân cơ hội này phải truy thu như vậy…
Có thể thấy nội dung xác nhận của cán bộ UBND xã là nhận định mang tính chủ quan, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng sơ yếu lý lịch. Do đó, UBND xã sẽ phải xác nhận lại sơ yếu lý lịch cho người dân theo đúng quy định, đồng thời cho kiểm tra, xác minh, nếu phát hiện có tính cá nhân hoặc bất kỳ vi phạm nào sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi “bút phê” vào sơ yếu lý lịch của công dân mang tính cá nhân thì có thể bị quy vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.” - luật sư Tú nêu quan điểm.
Quang Phong - Tiến Nguyên