1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ sụt lún tại Sở Ngoại vụ TPHCM: Ai chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Sau đợt thanh tra ngày 24/1, Sở Xây dựng TPHCM đã được UBND TPHCM cho phép rút giấy phép xây dựng công trình cao ốc Pacific, đình chỉ mọi hoạt động thi công công trình này.

Ngoài việc rút giấy phép và đình chỉ thi công, Sở Xây dựng buộc chủ đầu tư công trình này là Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương phải có phương án khắc phục sự cố gây lún sụt các công trình kế cận. Phương án này phải trình Sở phê duyệt mới được thực thi.

 

Sau khi khảo sát, Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn cho biết: Tường vây tầng hầm cao ốc Pacific bị bục vỡ khiến mạch nước ngầm không khống chế được, nhiều vị trí vách tầng hầm có nước ngầm chảy vào; nhất là tầng hầm thứ 5 có chỗ chảy với lưu lượng 24 m3/h. Do vậy, đã gây ra sụt lún tại công trình lân cận.

 

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng: sụt lún là do chủ đầu tư đã mở rộng diện tích xây hầm lên quá lớn so với giấy phép (xin xây 3.700m2 diện tích tầng hầm nhưng làm đến 9.700m2).

 

Trả lời Dân trí lúc 13h chiều nay, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Tuy sự cố xảy ra là do giải pháp thi công và chất lượng thi công không đạt, nhưng trách nhiệm chính vẫn là chủ đầu tư”. 

 

Nhưng ông Ngô Duy Tân - Giám đốc Công ty Bia Thái Bình Dương - thì đổ trách nhiệm gây ra sự cố sụt đất trong nhà giữ xe của Sở Ngoại vụ cho phía nhà thầu là Công ty TNHH Đông Minh. Ông Tân cho rằng: Sau sự cố sập Viện Khoa học xã hội Nam Bộ ngày 9/10/2007, chủ đầu tư đã thuê Công ty Đông Minh xử lý chống thấm công trình. Do vậy, khi xảy ra sự cố đơn vị này phải chịu trách nhiệm.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Xây dựng - cho biết: Theo quy định hiện hành, nếu xảy ra sự cố tại công trình thì chịu trách nhiệm đầu tiên và nặng nhất phải là chủ đầu tư. Bởi chủ đầu tư là đơn vị quyết định mọi chuyện, từ thuê đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cho đến giám sát công trình. Nếu các đơn vị nào gây ra sự cố thì chủ đầu tư vẫn liên đới trách nhiệm. Còn lỗi cụ thể do ai thì sẽ xử lý đơn vị đó sau.

 

Ông Hiệp cho biết: Công an TP chưa có quyết định chính thức xử lý hình sự các sự cố xảy ra tại công trình xây dựng cao ốc Pacific. Công an TP chỉ mới gửi UBND TP văn bản xin tạm hoãn quyết định xử phạt hành chính theo đề nghị của Sở Xây dựng ngày 19/12/2007 để tiếp tục điều tra.

Ngoài ra, Công ty Đông Minh chỉ là nhà thầu mới được Công ty Bia Thái Bình Dương mời về xử lý chống thấm cho các tầng hầm. Trước đó, sau sự cố sập Viện KHXH Nam Bộ, Công ty Bia Thái Bình Dương cũng đã mời nhiều nhà thầu về xử lý chống thầm nhưng không hiệu quả nên cắt hợp đồng và hợp tác với Công ty Đông Minh. Nay đang thi công thì xảy ra sự cố. Như vậy, phần lỗi không thể đổ riêng cho Công ty Đông Minh mà phải xét đến các biện pháp xử lý manh mún và thiếu kinh nghiệm của chủ đầu tư.

 

Nhưng cũng có người e ngại về năng lực quản lý của Sở Xây dựng. Do sau sự cố sập Viện KHXH Nam Bộ, trong báo cáo ngày 19/12/2007, Sở đã xác định Công ty Bia Thái Bình Dương vẫn lén lút thi công nhưng cũng không có biện pháp gì để xử lý. 

 

Công ty này lại thay đổi nhà thầu một cách vô tội vạ dù Sở yêu cầu thuê nhà thầu có năng lực để xử lý, vậy mà Sở vẫn im tiếng… Cho đến nay, sự cố thứ 2 lại xảy ra. Biết đâu còn lần thứ 3, thứ 4… 

 

Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng: nếu không xử lý triệt để hiện tượng nước ngầm thẩm thấu tại công trình xây dựng cao ốc Pacific thì nguy cơ tiếp tục sụt lún tại các công trình kế cận là rất cao.

 

Hôm nay, Sở Xây dựng TPHCM đã gửi báo cáo các sai phạm của công trình xây dựng cao ốc Pacific lên UBND TPHCM và Bộ Xây dựng. Ông Hiệp cho hay: cuộc họp giữa các bên để giải quyết vụ việc này sẽ dời lại vào ngày thứ 2 tuần sau (ngày 28/1).

 

Tùng Nguyên