1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Vụ sạt lở uy hiếp đền thiêng: Xin đá hộc để xử lý

Dương Nguyên

(Dân trí) - Do khó khăn về nguồn vật tư, vật liệu, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đề nghị cấp trên hỗ trợ rọ đá, đá hộc để xử lý cấp bách sạt lở xảy ra tại khu vực đền Cả.

Ngày 13/1, thông tin từ UBND thị xã Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch UBND thị xã - đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan về việc xin hỗ trợ rọ đá, đá hộc phục vụ xử lý cấp bách sạt lở bờ tả kênh thượng lưu cống Trung Lương.

Theo nội dung văn bản, đợt mưa lớn cuối tháng 9/2023 đã làm sạt bờ tả kênh thượng lưu cống Trung Lương và Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Cả, thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh.

Vụ sạt lở uy hiếp đền thiêng: Xin đá hộc để xử lý - 1

Khu vực đền Cả đang sạt lở nghiêm trọng (Ảnh: Dương Nguyên).

Vị trí sạt lở lớn có chiều dài 55-60m, chiều sâu 4-5m. Sạt lở làm trôi nhiều cây lớn và 1.500-2.000m3 đất, đá…

Để xử lý khắc phục, thị xã Hồng Lĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp 390 rọ thép và 600m3 đá hộc từ nguồn vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và đã hoàn thành việc xử lý khắc phục sạt lở.

Tuy nhiên, vào lúc 20h ngày 10/1, khu vực trên tiếp tục xảy ra sạt lở với chiều dài kéo theo lòng sông khoảng 70m; chiều rộng thay đổi 10-30m, trung bình 20m; chiều cao sụt lún tính từ bề mặt tự nhiên đến mực nước sông 5m.

Vụ sạt lở uy hiếp đền thiêng: Xin đá hộc để xử lý - 2

Số lượng đất đá sụt lún lần này ước tính khoảng 11.599m3 (Ảnh: Dương Nguyên).

Số lượng đất đá sụt lún lần này ước tính 11.599m3 và đang tiếp tục có nguy cơ sạt lở vào sâu thêm. Sạt lở làm hư hỏng, sụt lún cổng vào Di tích văn hóa cấp tỉnh đền Cả.

Để đảm bảo an toàn cho di tích và tuyến đê La Giang, UBND thị xã Hồng Lĩnh đang khẩn trương tập trung lực lượng, vật tư, thiết bị để xử lý khắc phục tạm thời điểm sạt lở nói trên.

Do khó khăn về nguồn vật tư, vật liệu, UBND thị xã Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi hỗ trợ một số vật tư dự phòng gồm đá hộc và rọ đá để tăng cường kè chắn tạm thời nhằm hạn chế việc sạt lở. Số lượng dự kiến, đá hộc 1.500m3 và 1.000 rọ đá.

Sau khi nhận được đề nghị trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản hỏa tốc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan kiểm tra cụ thể và tham mưu xử lý kiến nghị của UBND thị xã Hồng Lĩnh.

Vụ sạt lở uy hiếp đền thiêng: Xin đá hộc để xử lý - 3

Tình trạng sạt lở tại khu vực đền Cả chưa có dấu hiệu dừng lại (Ảnh: Dương Nguyên).

Như báo Dân trí đã đưa tin, đêm 10/1, khu vực bờ tả kênh thượng lưu cống Trung Lương, khu vực đền Cả thờ quan Hoàng Mười (thuộc tổ dân phố Hầu Đền, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Đoạn sạt lở ăn sâu vào khu vực đất và các hạng mục của đền Cả. Các hạng mục như cổng, đường vào, nền đất, sân bị "xé toạc". Nhiều khối lượng bê tông, cây cối trôi tuột xuống lòng sông.

Các vết nứt kéo dài hàng chục mét, lấn sâu vào khuôn viên, uy hiếp các hạng mục kiên cố của ngôi đền.

Sau khi kiểm tra hiện trường, lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh đã yêu cầu Ban Quản lý Di tích đền Cả tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng và xây dựng kể từ ngày 11/1 đến khi có thông báo tiếp theo.

Hiện trường sạt lở khiến ngôi đền thờ quan Hoàng Mười tạm dừng hoạt động (Video: Dương Nguyên).

Theo tư liệu lịch sử và truyền ngôn, đền Cả (hay còn có tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười hoặc Mỏ Hạc Linh Từ) được hình thành cách đây trên 800 năm, vào thời nhà Lý.

Vụ sạt lở uy hiếp đền thiêng: Xin đá hộc để xử lý - 4

Đền Cả hiện nay (Ảnh: Dương Nguyên).

Đền được xây dựng trên bãi bồi ngoài đê La Giang. Đây là nơi giao nhau giữa sông Lam, sông La và sông Minh. Công trình thờ tự này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do nằm ngoài đê, đền Cả từng nhiều lần bị mưa lũ tàn phá.

Đến năm 2014, chính quyền và người dân địa phương đã khôi phục lại các hạng mục của ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm