Vụ sạt lở ở Cà Mau: Dân mất ăn mất ngủ lo sạt lở lan rộng
(Dân trí) - Vụ sạt lở đất xảy ra tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) gây thiệt hại không nhỏ về tài sản khiến người dân ở đây đang mất ăn mất ngủ vì lo sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra.
Ghi nhận của PV Dân trí, vụ sạt lở đất xảy ra rạng sáng ngày 30/5 tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn). Ông Nguyễn Gia Phúc (một hộ dân bị thiệt hại) cho biết, khoảng một tuần trước ông đã thấy nền nhà mình bị nứt. “Khoảng 3h sáng ngày 30/5, gia đình tôi đang ngủ thì tôi giật mình thức giấc khi nghe tiếng răng rắc. Lúc này tôi nghi là đất bị sạt lở nên kêu vợ con chạy ra ngoài. Vừa lúc đó, một phần căn nhà phía sau bị sụp xuống”, ông Phúc kể lại.
Cách nhà ông Phúc khoảng mấy căn, nhà của chị Nguyễn Thị Liên (một giáo viên ở địa phương) cũng bị sạt lở gây thiệt hại không nhỏ. “Bữa nhà tôi bị sạt lở chỉ có 2 mẹ con ở nhà nên lo lắm. Rất may là có bà con, đồng nghiệp, cán bộ địa phương đến giúp di chuyển đồ đạc ra ngoài. Giờ muốn sửa lại nhà cũng lo vì sợ bị sạt lở nữa thì mất hết”, chị Liên lo lắng.
Xót xa nhất là hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Tư (70 tuổi) mấy ngày nay cuộc sống bị đảo lộn. Ông Tư cho biết, ông và vợ làm bánh chưng để bán kiếm sống qua ngày. Nay nhà bị sạt lở khiến nhiều đồ dùng bị hư hỏng giờ không thể làm gì được. Vợ chồng ông lo lắng không biết sắp tới đây sẽ phải sống ra sao.
Ghi nhận thêm của PV, người dân sống xung quanh khu vực bị sạt lở hiện phải di chuyển đồ đạc ra ngoài hoặc gửi nhà người quen để tránh thiệt hại. Ai cũng lo lắng khi tình hình có nguy cơ bị sạt lở thêm nữa. Họ mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục để ổn định lại cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau - cho biết, khu vực sạt lở tại thị trấn Năm Căn dài khoảng 80m. Ngoài 16 căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng, hiện còn 9 căn xuất hiện những vết nứt lớn và đang có nguy cơ bị sạt lở thêm bất cứ lúc nào.
Liên quan đến vụ sạt lở tại thị trấn Năm Căn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bước đầu cho 16 hộ bị sạt lở nghiêm trọng, mỗi hộ 3 triệu đồng. Huyện cũng đang tiếp tục kiến nghị tỉnh có giải pháp về lâu dài để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Theo nhận định của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, trong những ngày tới, tình trạng sạt lở sẽ có nguy cơ tiếp tục diễn ra vì đang bước vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân cần di dời tài sản đến những nơi kiên cố để tránh thiệt hại.
Sóc Trăng: Cần hơn 1.000 tỷ đồng khắc phục tình trạng sạt lở
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh này diễn ra nghiêm trọng và hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ở huyện Kế Sách, theo ông Huỳnh Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách - cho biết, tình trạng sạt lở ở huyện này rất nghiêm trọng. Năm 2016 đến nay có 12 điểm sạt lở dài trên 2km với diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân. Trước tình hình đó, UBND huyện đề nghị về cấp trên hỗ trợ vốn để khắc phục, gia cố những đoạn sạt lở này.
Ở huyện Kế Sách còn có khu vực xã An Mỹ, xã Nhơn Mỹ cũng đã từng xảy ra sạt lở khiến nhiều căn nhà bị chìm xuống sông, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Ông Trịnh Phước Hưng (ngụ xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) cho biết: “Tôi ở đây đã mấy chục năm, năm ngoái ở khu vực chúng tôi sinh sống bị sạt lở nhưng không biết đi đâu vì đất không có. Sạt lở thì bà con ai cũng sợ nhưng không biết làm sao, cứ ở tạm rồi tính sau. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ bà con”.
Còn ở huyện Long Phú có xã Song Phụng, thị trấn Đại Ngãi là nơi từng xảy ra sạt lở khiến nhiều căn nhà bị hư hỏng, bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Phan Thanh Nhã- Chủ tịch UBND xã Song Phụng, cho biết, mấy năm qua, ở xã xảy ra sạt lở ở ấp Trường Tiền khiến cho 9 căn nhà bị hư hỏng và hiện nay nguy cơ sạt lở vẫn lơ lửng. Trước tình hình đó, người dân ở nơi bị sạt lở tự khắc phục di dời, chỗ sạt lở thì bà con tạm thời khắc phục chứ địa phương không có kinh phí.
Ở thị xã Vĩnh Châu, tuyến đê biển ở đây cũng bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 10 km, mỗi năm lấn sâu vào đất liền từ 10-15m làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, gây sạt lở và vỡ đê. Theo ngành chức năng, hiện tượng sạt lở trên chủ yếu do rừng phòng hộ hoặc thảm rừng phòng hộ mỏng, ít và tác động của thủy triều cùng sóng gió.
Nhằm khắc phục và hạn chế tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở phải cảnh giác cao với các mối nguy hiểm, nhất là vào những ngày mưa lớn kéo dài và tháng mùa lũ. Các ngành, các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân không xây dựng nhà ở sát ngã ba sông, khúc sông cong và những đoạn sông, kênh bị sạt lở để tránh thiệt hại về người và tài sản, vận động bà con di dời nhà đến nơi an toàn.
Ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Mỗi năm tỉnh Sóc Trăng có khoảng 20ha-30ha bị sạt lở, mất đất sản xuất, đất rừng phòng hộ, đai rừng phòng hộ của tỉnh cũng bị giảm. Thời gian tới, tỉnh sẽ thống kê toàn bộ và lên phương án xử lý mang tính căn cơ, lâu dài, sẽ làm phương án cân đối vốn từ địa phương cũng như tranh thủ hỗ trợ của Trung ương để làm bờ kè, trồng cây chắn sóng, trồng rừng phòng hộ,… hạn chế thiệt hại đến đất sản xuất, tài sản người dân”.
Theo ông Lê Văn Hiểu, về lâu dài, tỉnh rất cần nguồn kinh phí lớn để triển khai sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai, trong đó sắp xếp di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao như Kế Sách, Song Phụng, Đại Ngãi. Do vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận hỗ hợ kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để triển khai các công trình cấp bách ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Bạch Dương
Huỳnh Hải