An Giang:
Vụ sạt lở "nuốt" 14 nhà dân: Hàng chục hộ dân trở lại vùng nguy hiểm
(Dân trí) - Ngày 22/4/2017, tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) đã xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng làm 14 nhà dân lọt xuống sông Hậu, 106 hộ dân khác phải di dời khẩn cấp. Hiện nay khu vực này vẫn là điểm sạt lở nguy hiểm nhưng đã có 23 hộ dân trở lại sinh sống.
Cách nay hơn 14 tháng, tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm 14 nhà dân lọt xuống sông Hậu trong chớp mắt. Vụ sạt lở còn đe dọa trực tiếp 106 hộ dân khác nên chính quyền địa phương buộc các hộ dân này di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn.
Ngay sau đó, UBND tỉnh An Giang tiến hành xin chủ trương thành lập khu dân cư cho số hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở vào ở; tiến hành lấp hố xoáy, xây kè khu vực sạt lở.
Sau khi số hộ dân bị di dời khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, người dân đến tá túc nhà người quen, trường học, chùa, ở trọ,… Cuộc sống gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nhiều hộ dân bày tỏ không đồng ý về khu dân cư mới vì khu dân cư quá xa, heo hút trong đồng, bà con không thể tìm kế sinh nhai. Do vậy có nhiều hộ dân không đến bốc thăm nhận nền trong khu dân cư, người dân trở lại nhà cũ trong khu vực sạt lở sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Tua – một trong những người dân trở lại căn nhà cũ sinh sống - cho biết: “Những ngày tháng cả nhà tá túc ở chùa khó khăn, bất tiện vô cùng. Bây giờ thấy chính quyền đã xây kè, lắp hố xoáy rồi, tôi dọn về ở thôi. Khi nào khu dân cư xây xong, gia đình tôi tính tiếp”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thanh Phong – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông - cho biết: “Qua thống kê, đến nay đã có 23 hộ dân có nhà trong diện di dời ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đã quay trở lại sinh sống. Hiện chúng tôi đã đến vận động nhiều lần và cho bà con viết cam kết sẽ dời đến khu dân cư sinh sống khi khu này hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân kiên quyết ở lại vùng sạt lở và có 23 hộ dân không đồng ý bốc thăm, nhận nền trong khu dân cư. Hiện UBND xã đã báo cáo sự việc về UBND huyện để trình xin ý kiến tỉnh”.
Dù có biển cấm, 23 hộ dân vẫn quay trở lại khu vực này sinh sống.
Theo ông Phong, hiện nay khu dân cư đã hoàn thành khoảng 90%, hiện đơn vị thi công đang làm con đường dẫn vào khu dân cư, hoàn thành hệ thống điện, nước… Hiện mới có 2 hộ vào khu dân cư cất nhà ở.
Ông Phong còn cho biết thêm: “Dù khu vực sạt lở được cơ quan chức năng lắp hố xoáy, xây kè, tuy nhiên khu vực này vẫn còn cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm. Mặt khác, địa phương còn cắm thêm biển “cấm trẻ em, người dân đến khu vực này vui chơi, buôn bán”, vì khu vực này vẫn nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm”.
Liên quan đến việc có hàng chục hộ dân trở lại khu vực sạt lở ấp Mỹ Hội Đông sinh sống, trao đổi với PV Dân trí, ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: “Sự việc người dân quay trở lại vùng sạt lở nguy hiểm sinh sống có thể vì bà con thấy khu vực này được xây kè xong. Tuy nhiên, ngành chức năng khảo sát và nhận định khu vực này vẫn nằm trong diện nguy hiểm, dân không thể vào ở. Chính vì thế, UBND tỉnh An Giang kiên quyết sẽ vận động và có biện pháp không cho dân vào khu vực này sinh sống để đảm bảo tính mạng và tài san cho người dân”.
Theo ông Thi, sắp tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị xây dựng khu dân cư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm khu dân cư để người dân vào ở. Còn đối với những hộ dân trở lại khu vực sạt lở sinh sống, chính quyền địa phương tích cực đến vận động người dân về khu dân cư, nếu người dân không thực hiện sẽ dùng biện pháp cưỡng chế di dời.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT An Giang, hiện toàn tỉnh có 51 đoạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở tất cả các địa phương trong tỉnh, với tổng chiều dài khoảng 162km, làm ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân, với hơn 5.300 hộ cần di dời khẩn cấp. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm...
Trước diễn biến khó lường về tình hình sạt lở trên, ngày 14/6 tại cuộc họp tìm giải pháp ứng phó sạt lở bờ sông, kênh rạch, ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp”. Đồng thời để có biện pháp căn cơ, lâu dài trong công tác ứng phó với tình trạng sạt lở, ông Thi chỉ đạo các ngành liên quan cần có khảo sát, đánh giá đúng thực tế và ra cảnh báo nhanh, hiệu quả, tránh tình trạng chống sạt lở theo kiểu “đau đâu trị đó”; kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở, không cho người dân xây nhà sát mé sông, kênh rạch; kiên quyết chống "cát tặc"...
Nguyễn Hành