Vụ sập nhà 4 tầng ở Hà Nội: Ai phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc (Hà Nội) bất ngờ đổ sập vào rạng sáng ngày 4/8 vừa qua đã làm 2 người chết, 3 người bị thương, vậy ai phải chịu trách nhiệm về sự việc có hậu quả nghiêm trọng này?
Khoảng 3h15 rạng sáng ngày (4/8), ngôi nhà 4 tầng được sử dụng làm cơ sở kinh doanh đồ ăn uống nem Xuân Dân ở số 43, phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) do ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ nhà đã bất ngờ bị sập làm 2 người chết.
Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng xác định, khi ngôi nhà số 43 bị sập, ngôi nhà bên cạnh là nhà số 41 đang thi công đào móng. Việc thi công nhà 41 đã tác động đến phần móng của ngôi nhà 43. Ngoài ra, nhà số 43 Cửa Bắc xây dựng từ năm 1980, ngôi nhà xây bằng gạch không có kết cấu bê tông nên đã dẫn tới sập nhà.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, nhiều người đặt câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng này và những nạn nhân thương vong? PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để tìm câu trả lời.
- Thưa luật sư, ở góc độ pháp lý, vụ việc sập nhà ở số nhà 43 Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình – Hà Nội) có dấu hiệu hình sự không?
- Vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bởi gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người, cụ thể là đã làm 2 người chết, 3 người bị thương và 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Trong trường hợp đúng như thông tin mà báo chí đã đưa, nguyên nhân ban đầu dẫn tới sập nhà số 43 là do việc thi công nhà 41 bên cạnh đã tác động đến phần móng của ngôi nhà 43. Ngoài ra, nhà số 43 đã xây dựng từ năm 1980, ngôi nhà xây bằng gạch không có kết cấu bê tông nên đã dẫn tới sập nhà.
Với những dấu hiệu trên, tôi cho rằng, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân, đồng thời làm rõ những người có trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định. Bởi trong vụ việc này cần phải làm rõ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại của những người có liên quan.
- Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa luật sư?
- Để có thể xác định chính xác trách nhiệm của những người liên quan, cơ quan chức năng cần phải tìm ra được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự việc đặc biệt nghiêm trọng nêu trên. Cụ thể:
Trong trường hợp nguyên nhân từ việc ngôi nhà số 43 này xuống cấp và đổ sập thì cần phải đánh giá xem việc chủ sở hữu ngôi nhà có biết việc xuống cấp này hay không? Đã được khuyến cáo về sự nguy hiểm khi tiếp tục sử dụng căn nhà để kinh doanh, để ở hay không? Nếu chứng minh được chủ sở hữu căn nhà này đã biết việc đó nhưng vẫn tiếp tục thực hiện việc kinh doanh và cho nhân viên của mình ở lại trong ngôi nhà đó thì chủ sở hữu ngôi nhà này có dấu hiệu phạm tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự.
Người chủ sở hữu nhà trong trường hợp này đã có lỗi vô ý do quá tự tin, bởi ông đã được khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của hành vi tiếp tục sử dụng ngôi nhà đó, tuy nhiên ông tự tin là hậu quả sẽ không xảy ra. Ngoài việc bị xem xét về trách nhiệm hình sự thì việc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân cũng thuộc trách nhiệm của người chủ sở hữu ngôi nhà này.
Trong trường hợp ngôi nhà đổ sập vì lý do khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ sở hữu ngôi nhà thì cần phải tìm ra lý do khách quan này là gì và nó có làm miễn trừ hay giảm trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự của chủ nhà hay không và ai phải liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Nếu nguyên nhân dẫn tới việc ngôi nhà số 43 bị sập là do hoạt động thi công, đào móng của ngôi nhà số 41 thì vụ việc này đã có dấu hiệu hình sự của tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn “có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Nếu xác định có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra cần phải ngay lập tức khởi tố vụ án, từ đó để xác định trách nhiệm của những người có liên quan. Trong trường hợp việc xây dựng nhà là không có giấy phép thì trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư (Chủ sở hữu căn nhà số 41 Cửa Bắc) và trách nhiệm liên đới thuộc đơn vị thi công công trình. Bởi nguyên tắc khi xây dựng nhà thì bắt buộc chủ đầu tư phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp và khi thi công thì đơn vị thi công phải tuân thủ đúng nội dung của giấy phép xây dựng để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.
Trong trường hợp chủ đầu tư không có giấy phép xây dựng hoặc chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện đúng nội dung giấy phép xây dựng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như trong vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc thì ngoài trách nhiệm hình sự theo Điều 292 thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho những người bị chết, bị thương và chủ sở hữu nhà số 43 (do ngôi nhà bị sập hoàn toàn) bởi hành vi vi phạm này.
Về thiệt hại cụ thể, số tiền phải bồi thường, trách nhiệm cụ thể của từng bên, trách nhiệm liên đới bồi thường…. sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi của từng cá nhân, đơn vị khi thực hiện hành vi vi phạm và áp dụng quy định của pháp luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Nguyễn Dương (thực hiện)