1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ rừng đặc dụng "chảy máu": Chỉ khai thác nhỏ lẻ (!?)

(Dân trí) - Đoàn kiểm tra hiện trường khu vực rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã thực địa và kết luận, tình trạng khai thác rừng trái phép tại đây là có thật, tuy nhiên chỉ ở mức nhỏ lẻ, trong thời gian từ năm 2014 đến đầu 2016 (!?).

>> Vụ rừng đặc dụng “chảy máu”: Lỗi lớn do chủ rừng?

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, đơn vị này đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tổ chức thực địa khu vực khai thác.

Một gốc gỗ bị khai thác được kiểm lâm đánh dấu vào tháng 10/2015
Một gốc gỗ bị khai thác được kiểm lâm đánh dấu vào tháng 10/2015

Theo đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành thực địa tại lô: b, d, e, i, h, s; khoảnh 1, 2; tiểu khu 250, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa bàn quản lý của thôn Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.

Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra có 11 cây gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 7 bị gãy đổ, gãy, lốc gốc và khai thác trái phép. Tổng khối lượng thiệt hại là 17,928 m3 gỗ tròn. Trong đó, có 7 cây bị đổ, gãy, lốc gốc do gió bão từ những năm trước với khối lượng 11,928m3 gỗ tròn còn tại rừng và đã khô mục, lục lõi không còn giá trị sử dụng.

Vụ rừng đặc dụng "chảy máu": Chỉ khai thác nhỏ lẻ (!?) - 2
Nhiều gốc gỗ còn nguyên dấu cưa trong khu vực rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Nhiều gốc gỗ còn nguyên dấu cưa trong khu vực rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Có 4 cây bị khai thác trái phép với khối lượng 6m3 gỗ tròn, thời điểm khai thác từ năm 2014 đến đầu năm 2016. Trong đó có 2 cây gỗ Trai lý thuộc nhóm 2 và 2 cây gỗ nhóm 6 đến nhóm 8, phần lớn gỗ còn nằm lại hiện trường.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quan sát hiện trường thực địa về kích thước, mạch cưa, chiều dài lóng gỗ cho thấy, sản phẩm chủ yếu được đưa về phía tỉnh Hòa Bình để sử dụng làm nhà?

Vụ rừng đặc dụng "chảy máu": Chỉ khai thác nhỏ lẻ (!?) - 4
Nhiều gốc gỗ bị cắt còn tươi mới
Nhiều gốc gỗ bị cắt còn tươi mới

Những cây gỗ bị khai thác trái phép đã được lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông phát hiện, kiểm tra, đánh dấu sơn, lập hồ sơ và đang phối hợp với chính quyền địa phương họp dân tố giác đối tượng khai thác, tổ chức mai phục bắt giữ đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo khẳng định của đoàn kiểm tra từ kết quả thực địa cho thấy, thông tin báo chí phản ánh về tình trạng rừng bị khai thác trái phép là có thực. Báo cáo đề cập, khu vực khai thác gỗ bị trái phép nằm giáp ranh với bản Nà Lụt, xã Pù Bin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, áp lực về nhu cầu gỗ làm nhà của người dân rất lớn; cách xa trung tâm xã Lũng Cao, địa hình đi lại khó khăn, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều cố găng nhưng vẫn chưa kiểm soat và ngăn chặn triệt để người dân tỉnh Hòa Bình vào rừng khai thác gỗ để làm nhà.

Và cả những gốc bị cắt bắt đầu lên chồi
Và cả những gốc bị cắt bắt đầu lên chồi

Tuy nhiên, theo thực địa của phóng viên Dân trí, vị trí những cây gỗ bị khai thác nằm dọc theo đường mòn nhỏ xuyên giữa rừng cách trung tâm thôn Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước chỉ khoảng 1 giờ đi bộ, nằm rải rác suốt dọc đường đi lên đến tận hang Nước - nơi xảy ra vụ 3 phu vàng mắc kẹt ngày 5/6 vừa qua, cách trung tâm bản Kịt khoảng 10km. Hơn nữa, số lượng cây gỗ bị cắt là hơn 4 cây so với báo cáo của lực lượng kiểm lâm. Ngoài ra, còn nhiều điểm cưa xẻ giữa rừng với một lượng lớn đầu mẫu, bìa gỗ bị bỏ lại tại hiện trường. Điều này trái ngược với quan điểm của lực lượng kiểm lâm là phần lớn gỗ bị gãy, đổ, lốc gốc và khai thác bị mục và còn nằm lại hiện trường.

Sau khi có kết quả kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã làm việc trực tiếp và chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Bá Thước, Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khẩn trương tổ chức truy tìm đối tượng khai thác gỗ trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật; kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc để rừng bị khai thác trái phép, mặc dù đã phát hiện nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm để báo chí phản ánh gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, báo cáo giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm xem xét xử lý.

Ông Lê Quốc Việt (bìa trái) - Phó chi cục kiểm lâm và ông Nguyễn Văn Bính - Phó phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa
Ông Lê Quốc Việt (bìa trái) - Phó chi cục kiểm lâm và ông Nguyễn Văn Bính - Phó phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa

Ông Lê Quốc Việt - Phó chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra, thống nhất quan điểm của lực lượng kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm cũng đã trực tiếp báo cáo ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và Chủ tịch UBND tỉnh theo chỉ đạo. Ông Việt khẳng định, đây là kết quả kiểm tra cuối cùng của lực lượng kiểm lâm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm