1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ phá rừng “vô địch” ở Quảng Nam

Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá không thương tiếc. Hàng ngàn mét khối gỗ quý hiếm từ rừng đặc dụng phòng hộ bị triệt hạ ngang nhiên ngay trước mũi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

“Thiên đường gỗ lậu”

 

Theo chân T - một “lâm tặc đại ca” đã giải nghệ quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - chúng tôi thâm nhập “thiên đường gỗ lậu” dọc theo sông Bung, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, thuộc các xã Tà Bhing, Đắk Pring, Chà Và l, Zuôi của huyện Nam Giang (Quảng Nam).

 

Không quá khó để tận mắt chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh với vô số cây gỗ quý lim, kiền kiền... đường kính đến 1m bị “xẻ thịt lột da”, xếp thành từng đống dọc các lối mòn, khe suối chờ đóng bè theo mưa thượng nguồn “hạ sơn”. T bảo: “Mới chỉ là màn giáo đầu, chưa nhằm nhò chi so với trong kia đâu”.

 

“Trong kia” là sâu trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Có những khu vực rừng nguyên sinh rộng đến hàng hécta thuộc địa phận xã Zuôi bị phá trắng, với hàng trăm gốc cây, trong đó có gốc to đến vài người ôm mới xuể còn sót lại.

 

“Cánh khai thác gỗ lậu thường chọn sẵn những cây gỗ quý ở những vị trí gần sông suối, rồi chờ lúc trời tối hoặc mưa dông đầu mùa, mới nổ máy hạ cây để đề phòng lực lượng chức năng truy quét. Đề phòng vậy thôi, chứ ở giữa rừng sâu núi thẳm này có ma nào mò đến...” - T kể tiếp: “Tất cả đã được “nối mạng” hết trơn rồi, chứ nếu không mấy ông kiểm lâm và chính quyền địa phương mà làm nghiêm, thì cái dăm cũng không lọt chớ đừng nói đến chuyện cây gỗ to như ri...”.

 

Mở đường... phá rừng

 

Cảnh tàn phá rừng còn ngang nhiên diễn ra ngay dọc ven những con đường lớn. Tuyến đường tuần tra biên giới Đồn biên phòng 661 thuộc địa bàn xã Đắc Pring, huyện Nam Giang vừa mới mở cũng “góp phần” thúc đẩy việc... phá rừng. Chỉ một đoạn đường ngắn chừng 7 km, có tới hàng trăm cây gỗ quý hiếm các loại lim, kiền kiền... có đường kính từ  0,5 – 1 m đã bị tàn sát vô tội vạ. Khu vực này nằm ngay trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

 

Ông Zơ Râm Hoá - Tổ trưởng và ông Phong Híp -  tổ viên của tổ bảo vệ rừng thôn 48 xã Đắc Pring - cho biết: “Đường đã làm xong rồi, mà cây gỗ thì vẫn cứ bị chặt, chặt mãi từ trước khi bắt đầu làm đường đến tận bây giờ. Nhà nước giao bà con tui giữ rừng, nhưng rồi cũng chính Nhà nước cho người lên phá rừng, bà con tui hỏi, cán bộ huyện chỉ bảo là khai thác tận thu làm đường, không ai được ngăn cản; ngăn cản là... chống lệnh Nhà nước”.

 

Tình trạng khai thác gỗ rừng đặc dụng diễn ra tràn lan gây bức xúc cho người dân địa phương đến nỗi, vào đầu tháng 6/2006, bà con ở thôn 48, xã Đắc Pring đồng loạt kéo nhau ra ngăn cản không cho vận chuyển gỗ. Theo yêu cầu của người dân, một biên bản đã được lập giữa đại diện người dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh vào ngày 7/6.

 

Người dân cho biết, ngoài tuyến đường tuần tra biên giới, còn có các tuyến đường dân sinh khác đã được mở từ nhiều năm trước, nhưng đến nay việc chặt hạ cây gỗ vẫn đang tiếp tục tiến sâu vào những cánh rừng hai bên đường.

 

Ông Zơ Râm Hoá và ông Phong Híp phẫn nộ nói: “Nhà nước mở đường cho bà con đi lại được thuận tiện, chứ đâu phải để tạo cơ hội cho một số cán bộ huyện lợi dụng khai thác gỗ trái phép”!

 

Theo Trương Tâm Thư

Lao Động