1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ "phá nhầm" nhà dân ở Hải Phòng: Có hay không két sắt chứa 30 triệu đồng?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Một người dân ở Hải Phòng đã gửi đơn tố cáo, cầu cứu vì nhà của mình bị "phá nhầm", trong nhà có két sắt chứa tiền và nhiều tài sản khác đã không còn; chính quyền huyện nói trong nhà không có tài sản?

Ngày 16/8, lãnh đạo UBND huyện An Dương (TP Hải Phòng) đã thông tin chi tiết với phóng viên Dân trí về vụ việc bà Phạm Thị Thu Trang phản ánh nhà mình bị "phá nhầm".

Theo đó, khoảng từ năm 2020, đất của nhà bà Trang (ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương) cùng 4 hộ dân khác được công ty điện máy thuê để làm cửa hàng.

Năm 2023, TP Hải Phòng thực hiện dự án nút giao thông Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh. Toàn bộ phần đất công ty điện máy thuê làm cửa hàng thuộc diện phải giải tỏa.

Lãnh đạo huyện An Dương cho biết, việc tháo dỡ công trình, vật kiến trúc trong phạm vi giải phóng mặt bằng do Công ty cổ phần Thương mại Nam Sông Cấm (Công ty Nam Sông Cấm) thực hiện. Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương ký hợp đồng với Công ty Nam Sông Cấm để thực hiện việc này.

Vụ phá nhầm nhà dân ở Hải Phòng: Có hay không két sắt chứa 30 triệu đồng? - 1

Công trình nhà bà Trang bị hư hỏng (Ảnh: bà Trang cung cấp).

Ngày 10/8, Công ty Nam Sông Cấm tiến hành tháo dỡ công trình của 4 hộ dân đã nhận bồi thường giải phóng mặt bằng. Khu vực tháo dỡ mặt bằng gồm 5 hộ dân: bà Phạm Thị Thu Trang, bà Lê Thùy Linh, bà Đoàn Thị Hoa, bà Vũ Thị Huệ, ông Đỗ Khắc Lai.

Trong 5 hộ dân nói trên, có 4 hộ dân đã chấp thuận phương án nhận tiền và ký biên bản bàn giao mặt bằng. Bà Phạm Thị Thu Trang chưa đồng ý.

"Quá trình tổ chức tháo dỡ 4 công trình của các hộ dân, một biển quảng cáo cỡ lớn, kết cấu phức tạp đã đổ sập vào phần mái trên diện tích đất của bà Trang gây hư hỏng. Hoàn toàn không phải "phá nhầm" như phản ánh", lãnh đạo huyện An Dương thông tin.

Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo huyện An Dương đã chỉ đạo công an huyện điều tra, phong tỏa hiện trường, xác minh vụ việc.

Huyện An Dương đã yêu cầu Công ty Nam Sông Cấm dừng ngay việc tháo dỡ công trình và mời các bên liên quan về trụ sở UBND xã An Đồng để làm việc, giải quyết vụ việc.

UBND huyện An Dương khẳng định, tại khu vực mặt bằng công ty điện máy thuê, trong thời điểm tháo dỡ không có tài sản. Công ty điện máy đã ngừng hoạt động kinh doanh và chuyển tài sản đi nơi khác.

"Không có tài sản két sắt có 30 triệu đồng và nhiều giấy tờ, tivi, tủ lạnh, bàn ghế, giường ngủ, cùng nhiều đồ đạc khác của gia đình bà Trang như phản ánh", lãnh đạo UBND huyện An Dương khẳng định.

Về hướng giải quyết tiếp theo, lãnh đạo huyện An Dương tiếp tục tập trung chỉ đạo công an huyện tiếp tục điều tra, phong tỏa hiện trường để điều tra, xác minh vụ việc. Đồng thời, huyện An Dương tiếp tục làm việc với các bên liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Cũng liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thu Trang khẳng định: "Nhà tôi có những tài sản đó, cơ quan công an còn chưa có kết luận cuối cùng. Phía công an đang yêu cầu tôi cung cấp tài liệu, chứng cứ, hóa đơn...".

Bà Trang cho biết thêm, bà có bằng chứng video và hình ảnh đơn vị thi công đập phá chứ không phải trong quá trình tháo dỡ biển quảng cáo mà vô tình làm sập nhà của bà.

"Toàn bộ bằng chứng là video, hình ảnh tôi đang cung cấp cho cơ quan công an. Gia đình chúng tôi chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an về việc này", bà Trang nói thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm