Vụ nhập lậu hơn 10 tấn ắc quy cũ: Hải quan “phủi” trách nhiệm?
Bất chấp sự kiểm định, kiểm soát của các cơ quan chức năng, ắc quy hỏng - thứ hàng được liệt vào diện cấm nhập khẩu - vẫn ung dung lọt qua trạm kiểm soát Hải quan Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình).
Đã kiểm tra nhưng không phát hiện được!
Ông Lê Văn Lưu - Chi cục phó Cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, người ký xác nhận lô hàng cho xe BKS 37N-2250 “đội lốt” chở phế liệu để buôn hàng ắc quy cũ cấm nhập khẩu từ nước bạn Lào về Việt Nam - thanh minh: “Tất cả các loại phương tiện, hàng hoá tái nhập khẩu khi lưu thông qua khu vực này đều được kiểm định rất chặt chẽ. Đặc biệt là đối với những mặt hàng như ắc quy, nếu phát hiện sẽ bắt chủ lô hàng đó tái xuất. Nên nói nhiều doanh nghiệp buôn hàng lậu khi đi qua Cửa khẩu Chalo một cách dễ dàng là không có cơ sở!”.
Riêng đối với lô ắc quy bị Chi cục quản lý thị trường Nghệ An phát hiện ngày 18/1, ông Lưu biện hộ: “Về nguyên tắc Chi cục đã làm đúng, nghĩa là đã cho kiểm tra xe, xem giấy biên lai mặt hàng do Công ty Sản xuất thương mại Việt - Mỹ xuất trình. Chi cục kiểm tra nhưng không phát hiện thấy dấu hiệu buôn lậu. Vì vậy, lô hàng này có thể do chủ xe đi qua Cửa khẩu Cha Lo, sau đó thu gom tại một điểm nào đó tại Quảng Bình, vận chuyển về Nghệ An tiêu thụ”.
Ông Phan Văn Ngùng - Chi cục trưởng cục Hải quan cửa khẩu Chalo - cũng khẳng định: “Hải quan cửa khẩu đã kiểm tra nhưng không phát hiện”.
Tuy nhiên, bản tường trình của lái xe Nguyễn Trường Ca gửi Chi cục quản lý thị trường Nghệ An lại thừa nhận: “Lô hàng nói trên gồm hàng nhựa, nhôm phế liệu, trong đó có cả hàng ắc quy là do tôi vận chuyển cho ông Võ Ngọc Thắng từ Lào về. Để trốn tránh sự kiểm tra Hải quan khi qua Cửa khẩu, số hàng ắc quy được cất giấu dưới sàn xe, phía trên là hàng phế liệu”.
Ông Hoàng Văn Hiển - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình - cũng từng khẳng định: “Xuất xứ của lô hàng ắc quy đi qua Cửa khẩu Cha lo là không cần bàn cãi. Điều quan trọng là Cục sẽ cố gắng làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, xem xét, đưa ra hình thức xử lý cụ thể. Từ sự việc hàng ắc quy bị phát hiện, phía Hải quan sẽ đúc rút kinh nghiệm và thắt chặt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát”.
Dễ dãi là “truyền thống”
Cũng liên quan đến việc các mặt hàng cấm lọt qua Cửa khẩu Cha Lo một cách dễ dàng, trung tuần tháng 11/2006, TAND tỉnh Quảng Bình đưa ra xét xử vụ án buôn bán ma tuý xuyên Quốc gia lớn nhất từ trước tới nay tại địa phương.
Tại phiên toà, một số đối tượng khai: “Trước khi bị bắt giữ, trong những lần xuất nhập cảnh qua khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, đã vận chuyển từ 3-4 lần các chất ma tuý, nhưng vẫn không bị Chi cục Hải quan tại đây phát hiện”.
Đây là dẫn chứng cụ thể về sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Chalo.
Ông Phan Văn Ngùng - Chi cục trưởng cục Hải quan cửa khẩu Chalo - cho biết: “Mỗi ngày có hàng chục xe tải vận chuyển hàng hoá từ nước bạn Lào về Việt Nam và ngược lại. Chính vì vậy, công tác kiểm tra tại đây còn gặp khó khăn vì hiện tại chi cục vẫn phải làm theo phương thức thủ công, chủ yếu là bốc dỡ hàng hoá để kiểm tra. Trường hợp xe có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục mới làm căng”.
Cũng theo ông Ngùng thì chế tài xử phạt đối với các chủ xe buôn lậu với khung phạt từ 300-500 ngàn đồng theo quy định của phía Hải quan là chưa thật sự hợp lý.
Theo Chi Mai - Ngọc Bình
VietNamnet