Vụ ngộ độc ở Bình Thuận: Patê lẫn bánh mì đều có độc tố
(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định, trong mẫu patê của cơ sở Cẩm Tú nhiễm 2 loại độc tố Staphylococcol Enterotoxin (SE) và Bacillus Diarrhoeal Enterotoxin (BDE).
Sau khi tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm, ngày 25/1, Chi cục VSATTP Bình Thuận đã có kết luận chính thức về việc hàng trăm người đồng loạt bị ngộ độc. Nguyên nhân là do patê của bánh mì nhiễm độc.
Như tin đã đưa, từ ngày 18 đến ngày 21/1 tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận, 175 người đã phải nhập viện trong cùng một tình trạng ói mửa, đau đầu, tiêu chảy, sốt cao… Tất cả các bệnh nhân đều cho biết đã ăn bánh mì tại cơ sở Cẩm Tú.
Sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục VSATTP Bình Thuận và Chi cục VSATTP phía Nam đã lấy 15 mẫu thực phẩm bị nhiễm độc để xét nghiệm, gồm: thịt ram, pate, nem, chả lụa, pho mai, dưa leo, đu đủ, xúc xích, tương ớt, dấm ăn, phẩm màu, nước tương, trứng gà của cơ sở Cẩm Tú tại số 01 Huỳnh Thúc Kháng, khu phố Hiệp Phước, thị trấn Chợ Lầu, Bắc Bình và 2 mẫu bánh mì từ lò của hộ Nguyễn Phước Nghĩa, Hiệp Phước, Chợ Lầu, Bắc Bình và lò Phạm Văn Tâm, Chợ Lầu, Bắc Bình.
Kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh của Viện Pasteur Nha Trang xác định: Trong mẫu patê nhiễm 2 loại độc tố Staphylococcol Enterotoxin (SE) và độc tố Bacillus Diarrhoeal Enterotoxin (BDE). Ngoài patê, hai mẫu bánh mì từ các cơ sở nêu trên cũng nhiễm độc tố BDE. Các mẫu xét nghiệm khác không phát hiện độc tố SE và BDE.
Qua trao đổi với bác sĩ Miêu Tiểu Chông, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa khu vực bắc Bình Thuận, được biết: “Tính đến chiều ngày 25/1, tất cả 175 bệnh nhân đã được xuất viện, không có ca bệnh nào để lại di chứng, kể cả trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị N (27 tuổi) đang mang thai 8,5 tháng.
Ca tử vong của em Võ Thị Mỹ Quyên, lớp 7A3, trường THCS Chợ Lầu bị chết vào rạng sáng ngày 19/1 (trước đó có ăn bánh mì), là do bị choáng viêm trùng đường tiêu hóa. Em Quyên đã nhập viện trước đó 2 ngày, chứ không phải chỉ do ngộ độc vì ăn bánh mì”.
Vân Sơn