1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ New Century sẽ không “đầu voi đuôi chuột”

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C17) khẳng định, vụ án tại vũ trường ăn chơi bậc nhất Hà Nội New Century sẽ không có tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Quá trình điều tra không bị “vướng” hay có sự can thiệp.

>> Đột kích New Century

 

Vụ New Century đã tạo thắng lợi dây chuyền

 

Thưa ông, vũ trường New Century có nhiều sai phạm kéo dài nhưng đến bây giờ mới bị xử lý. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

 

Rõ ràng để New Century sai phạm kéo dài mà không bị xử lý, các cơ quan chức năng có liên quan đều có trách nhiệm. Nếu vi phạm về trật tự an toàn xã hội thì trách nhiệm của công an, trước hết là công an phường, công an quận, Công an thành phố Hà Nội.

 

Đến bây giờ, theo tôi biết UBND, Thành ủy Hà Nội đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ. Nếu nay mai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an (C17) điều tra ra họ có liên quan đến tội phạm thì phải xử lý hình sự.

 

Tôi đi New Century thực tế và thấy có dấu hiệu tàng trữ, sử dụng ma túy ở đây từ lâu rồi. Nhưng để bắt giữ không đơn giản, quan trọng nhất là phải thu thập được chứng cứ.

 

Thưa thiếu tướng, có dư luận lo ngại New Century có thể là một vụ án “đầu voi đuôi chuột”. Ông nghĩ gì về điều này?

 

“Hôm đột kích New Century, xong việc chúng tôi mới báo cho Công an Hà Nội, không phải vì nghĩ Công an Hà Nội có tiêu cực. Chúng tôi cho rằng Công an Hà Nội có chức năng chống tội phạm, C17 cũng có chức năng chống tội phạm, nhưng vụ New Century nếu phá được Công an Hà Nội đã phá, không phá được thì chứng tỏ họ có khó khăn.

 

Trong khi đó C17 chúng tôi đã thu thập đủ chứng cứ để có thể tiến hành triệt phá New Century”.

 

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương

Không phải như vậy, vụ án này mới chỉ là thắng lợi bước đầu và đã xác định được 2 hành vi: chứa chấp và tổ chức sử dụng ma túy.

 

Các hành vi khác đang tiếp tục điều tra. Vấn đề phụ thuộc vào thu thập chứng cứ, còn trong điều tra vụ án này C17 không “vướng” gì hết. Không có chuyện vụ án bị can thiệp. Tôi chỉ thấy được ủng hộ.

 

Đây là thắng lợi dây chuyền, đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh đối với nhiều địa phương khác. Sau vụ New Century, nhiều địa phương khác đã kiểm tra các vũ trường để đảm bảo hoạt động đúng quỹ đạo. Có nơi làm rất tích cực như TPHCM, Huế…

 

Hôm triệt phá vũ trường, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn ủng hộ, động viên. Tất nhiên cũng có thông tin nọ, thông tin kia, nhưng đến tai tôi thì chưa có. C17 đang rất quyết tâm điều tra, mà đang điều tra thì phải bí mật thông tin.

 

Tội phạm ma túy ở Việt Nam đã “nối mạng” với quốc tế

 

Thưa ông, với kinh nghiệp sau 10 năm thành lập C17 (1997-2007), ông đánh giá tính chất các vụ án ma túy đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua?

 

Theo thời gian, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Tuyến buôn bán vận chuyển ma túy cũng có thay đổi, đa dạng hơn. Trước đây, họ hầu như chỉ vận chuyển bằng đường bộ, bây giờ chuyển sang đường hàng không, đường bưu điện, đường biển.

 

Loại ma túy càng ngày càng nguy hiểm hơn. Từ năm 1997 đến 1998 heroin là chủ yếu, nhưng đến năm 2000 ma túy tổng hợp lại nhiều.

 

Tính chất tội phạm cũng nghiêm trọng hơn. Trước đây phần lớn buôn bán nhỏ, nhưng bây giờ có nhiều tên buôn bán ma túy với số lượng rất lớn. Bởi chúng xuất phát từ tâm lý: 2 bánh heroin bị bắt cũng chịu mức án tử hình mà 100 bánh thì cũng vậy.

 

Tội phạm ma túy chống trả các lực lượng phòng chống ma túy ngày càng quyết liệt. Nhiều tên nhiễm HIV/AIDS đã tấn công lực lượng công an bằng kim tiêm và cào cắn.

 

Trong các vụ án ma túy, yếu tố nước ngoài trong buôn bán ma túy đang gia tăng. Trước đây tội phạm ma túy chủ yếu liên quan đến Lào, Campuchia, Trung Quốc. Nhưng bây giờ địa bàn đã liên quan đến châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Âu, 2 năm gần đây sang cả châu Phi.

 

Theo ông, Việt Nam có phải là điểm trung chuyển ma túy của bọn tội phạm buôn bán ma túy quốc tế?

 

Việt Nam là nơi tiêu thụ ma túy là chính, chưa thực sự là nơi trung chuyển ma túy có nhiều đường dây buôn bán quốc tế đi qua. Tuy nhiên cùng với xu hướng mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, đã xuất hiện một số đường dây ma túy mượn Việt Nam để trung chuyển ma túy sang các nước khác.

 

Theo thống kê chính thức Việt Nam có khoảng 160.000-170.000 người nghiện, nhưng thực tế nhiều hơn, khoảng 250.000. Nếu đúng theo con số này mà tính một cách đơn giản nhất, mỗi người nghiện chỉ dùng 50.000 đồng/ngày để xài ma túy thì trung bình một năm họ “đốt” khoảng 4.500 tỷ đồng.

 

Ông suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng ma túy càng “đánh” càng tăng, càng nhiều vụ lớn?

 

Nói vậy theo tôi không đúng với thực tế. Nhưng sự tiềm ẩn của tội phạm ma túy của Việt Nam rất lớn, nó phụ thuộc vào vấn đề phát hiện. Cũng có những vụ án ma túy, vụ sau lớn hơn vụ trước nhưng số đó không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Với số lượng hàng trăm nghìn con nghiện thì nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn. Theo tôi hiện nay, việc bắt giữ ma túy còn chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng ma túy lọt vào nội địa Việt Nam.

 

Chúng tôi nhận thấy số lượng ma túy mình mới thu được khoảng 20%, còn lại 80% vẫn chưa bị bắt giữ. Phải thẳng thắn thừa nhận như vậy.

 

Theo ông, tội phạm ma túy ở Việt Nam có dấu hiệu gì của loại tội phạm mafia?

 

Mafia có đặc trưng xuyên quốc gia và các tổ chức của nó móc nối vào các tổ chức kinh tế, chính trị có thẩm quyền, mafia có thể điều hành được. Như ngân hàng để rửa tiền, rồi các lực lượng hành pháp như công an.

 

Tôi chỉ đạo điều tra các vụ án ma túy 10 năm qua, chưa phát hiện được vụ việc nào có tính chất mafia, kể cả vụ New Century.

 

Theo VnExpress/Tiền Phong