1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ nấu cao hổ ở Hà Nội: Khó xử lý tang vật vì thiếu luật

Việc chậm xử lý hàng trăm kilôgam tang vật động vật hoang dã thu được cách đây gần 10 ngày ở Thanh Xuân, Hà Nội, có ý kiến cho rằng do trục trặc ở văn bản luật.

>> Phá một lò nấu cao hổ giữa Hà Nội

 

Nếu xử lý theo ý kiến các nhà bảo tồn, theo sức ép của quốc tế, hầu như không còn phải băn khoăn gì nữa vì các kiến nghị đều rất rõ ràng: Tiêu hủy. Theo họ, không nên khuyến khích việc bán đấu giá loại tang vật này vì có thể sẽ kích cầu tiêu dùng.

 

Đáng tiếc, một “rừng” văn bản luật hiện hành hầu như không điều khoản nào quy định rõ xử lý tiêu hủy tang vật như mong muốn của nhiều người.

 

Bộ luật Hình sự chỉ quy định hình phạt đối với hành vi buôn bán trái phép hổ chứ không thấy đề cập đến xử lý tang vật. Văn bản luật thấp hơn cũng vậy. Ông Phạm Viết Trí - Phó phòng Pháp chế Thanh tra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội - cho biết: Nghị định 32/2006/NĐ-CT (ngày 30/3/2006, về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) không có quy định xử lý tang vật, tiêu hủy hay tiêu thụ.

 

Trong khi đó, Nghị định 139/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004, có điều khoản về bán các vật phẩm tươi sống từ động vật hoang dã yếu, bị thương nhưng điều khoản này lại loại trừ nhóm 1b (trong đó có hổ).

 

Thông tư Liên tịch số 19/2007 ngày 8/3/2007 nghiêm cấm khai thác, sử dụng (tang vật tươi sống) dưới mọi hình thức nhưng không quy định tiêu hủy.

 

Vận dụng Điều 61, Mục 2, Pháp lệnh Xử phạt hành chính năm 2002 để tiêu hủy cũng không ổn vì tuy là  tang vật nhưng thịt xương hổ cất giữ trong trường hợp này không phải là vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người như điều luật đòi hỏi. Hơn nữa, mục 3, Điều 61, Pháp lệnh này quy định: “Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, người có thẩm quyền tịch thu, lập biên bản, bán ngay”.

 

Cách tốt nhất, theo ý kiến của nhiều người, là căn cứ Nghị định 139 để “đá quả bóng trách nhiệm” lên UBND TP Hà Nội. Nghị định này quy định: “Đối với tang vật là động vật hoang dã quý, hiếm nhóm 1b, 2b bị thương, yếu, không có khả năng phục hồi để thả về môi trường tự nhiên hoặc tang vật là các sản phẩm của chúng thì chủ tịch UBND quyết định biện pháp xử lý”.

 

Song để UBND TP đưa ra quyết định, phải có kiến nghị của liên ngành. Được hỏi bao giờ có cuộc họp liên ngành, ông Trí bảo không biết bao giờ vì “còn nhiều thủ tục lắm”.

 

Vụ nuôi hổ ở Bình Dương mới đây, luật không rõ ràng, cuối cùng phải nhờ Thủ tướng Chính phủ phân xử. Nay đến vụ tang vật động vật hoang dã, chắc lại cũng phải chờ lãnh đạo địa phương quyết định. Không rõ tình trạng cơ quan công quyền làm thay luật pháp thay vì làm theo pháp luật, còn kéo dài đến bao giờ?

 

Theo QD

Tiền Phong