1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ mua nhà trên giấy: Sẽ giải quyết tại tòa án?

(Dân trí) - Buổi “thương lượng” giữa chủ đầu tư và người dân liên quan tới dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu ngày 6/5 đã không đem lại kết quả như mong muốn. Nhiều khả năng vụ việc sẽ phải giải quyết tại tòa án.

Như Dân trí đã đưa tin, Công ty CP kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (trước kia có tên là Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội - sau đây gọi tắt là công ty 10) năm 2001 đã kí một loạt hợp đồng nguyên tắc bán nhà cho các hộ dân với giá 2,5 triệu đồng/1m2 tại Khu đô thị mới Cầu Bươu.

Đến năm 2007, sau khi cổ phần hóa, Công ty 10 đơn phương tuyên bố nâng mức giá bán những căn hộ dân đã ký hợp đồng từ trước lên 10 triệu đồng/1m2. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trong suốt thời gian qua giữa các hộ dân mua nhà và Công ty 10.

Với mong muốn giải quyết dứt điểm vụ việc, sáng 6/5, Công ty 10 đã tổ chức buổi “thương lượng” với những hộ dân nhằm tháo gỡ mâu thuẫn này. Tại cuộc họp, người dân đã chất vấn ông Phạm Duy Cương (Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty 10) rất nhiều vấn đề về dự án.

Vụ mua nhà trên giấy: Sẽ giải quyết tại tòa án? - 1
Người dân yêu cầu Công ty 10 phải thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc năm 2001 (ảnh: H.Ngân).

Bà Lê Thị Bích Dung, thay mặt các khách hàng hỏi: Hợp đồng nguyên tắc được ký kết từ năm 2001 có sai hay không mà Công ty 10 không chịu thực hiện, dù người dân đã đóng một phần tiền suốt từ năm 2001?

Ông Cương trả lời: quá trình trước đó có tính lịch sử cần được làm rõ (ý nói về việc giám đốc ký hợp đồng khi đó là ông Nguyễn Đăng Thân đã chết năm 2003 - PV), với trách nhiệm người đi sau thì chúng tôi tôn trọng tinh thần và nội dung của Hợp đồng nguyên tắc đã ký với người dân.

Tuy nhiên về phương án kinh doanh ông Cương đề nghị cùng với dân rà soát lại, tìm những điểm chưa hợp lý để điều chỉnh cho đúng chính sách của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; tính toán chia lợi nhuận (nếu có) theo tỉ lệ góp vốn của hợp đồng nguyên tắc đã ký.

Vụ mua nhà trên giấy: Sẽ giải quyết tại tòa án? - 2
Còn ông Cương đổ lỗi cho vấn đề “lịch sử” của công ty (ảnh: H.Ngân).

Rất nhiều khách hàng (bà Bích Dung, ông Đào Huy Nguyên, ông Phạm Văn Đạc, bà Bùi Thị Thành, bà Nguyễn Thị Chắt, bà Trịnh Thị Sáu, ông Nguyễn Tam Hưng…) ngay lập tức đã phản ứng quan điểm của chủ đầu tư.

Họ cho rằng, “lịch sử” do chính Công ty 10 tạo ra thì Công ty 10 phải tự chịu trách nhiệm, dân bỏ tiền ra là để mua nhà dự án sinh sống, không phải việc hùn vốn với công ty kinh doanh.

Công ty 10 là đơn vị kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, không thể có chuyện khi kinh doanh lỗ lại bắt người dân phải chia sẻ. “Liệu khi kinh doanh có lãi công ty có gọi khách hàng đến chia tiền không” - bà Bích Dung lập luận.

Ngoài ra còn khá nhiều vấn đề được người dân nêu ra như: trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đối với hoạt động của Công ty 10; tại sao Công ty 10 cổ phần hóa năm 2005 mà không hề báo cho dân, mãi đến năm 2007 lại đột ngột thông báo giá mới…

Gần cuối buổi họp, người dân yêu cầu chủ đầu tư đưa ra mức giá (mới) và thời hạn cuối cùng để giao đất cho dân. “Để trên cơ sở đó, chúng tôi bàn bạc với nhau xem có thể hỗ trợ khó khăn cho Công ty 10 hay không” - ông Đào Huy Nguyên nói.

Tuy nhiên, ông Cương đã xin khất câu trả lời và “hứa” trong tháng 5 này sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc. Trao đổi với Dân trí quanh vấn đề này ông Cương chấp nhận: “Nếu hai bên không thể tự giải quyết được với nhau thì chỉ còn cách ra tòa để nghe phán xét, lúc đó ai sai người nấy phải chịu”.

Hồng Ngân