Vụ lật tàu Dìn Ký: Tạp vụ lên lái tàu
(Dân trí) - Chỉ là một tạp vụ phụ việc tại bến du thuyền Dìn Ký nhưng khi được giao việc, Đức đã không ngần ngại lên điều khiển chiếc du thuyền ra sông. Không lâu sau đó thì tai họa xảy ra khiến 16 người thiệt mạng.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1736/Lat-nha-hang-noi-2-tang-o-Binh-Duong.htm'><b> >> Lật nhà hàng nổi 2 tầng ở Bình Dương</b></a>
Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, Lê Văn Đức, người điều khiển tàu Dìn Ký số hiệu BD – 0394 chở khách ra sông vào tối 20/5 - khi tai nạn xảy ra - chỉ là một nhân viên tạp vụ.
Liên quan đến vụ lật tàu thương tâm này, cơ quan công an tỉnh Bình Dương đã gia hạn tạm giữ lần 2 (thêm 3 ngày) đối với 2 người của Công ty Dìn Ký là Lê Văn Đức (người làm nhiệm vụ tài công điều khiển tàu khi tàu gặp nạn) và Lao Văn Quang (quản lý tàu) để làm rõ các hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, một nhân viên khác của khu du lịch (KDL) xanh Dìn Ký là ông Đinh Văn Quân (quản lý chung của nhà hàng Dìn Ký chi nhánh tại xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng đã bị cơ quan công an mời làm việc.
Được biết, trong buổi chiều 20/5, khi lái tàu chính đã hết ca làm việc (tài công chính làm ca 2 xin nghỉ), quản lý nhà hàng Dìn Ký đã điều động nhân viên tạp vụ Lê Văn Đức (mới biết lái tàu và chưa có bằng) lên điều khiển du thuyền nhà hàng Dìn Ký cao 2 tầng mang số hiệu BD - 0394 chở khách ra sông. Mặc dù trời lúc này có biểu hiện mưa dông nhưng con tàu vẫn được xuất bến.
Trước đó, những sai phạm của vụ chìm tàu Dìn Ký đã được chính ông Châu Hoàn Tâm, chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký xác định. Cụ thể: Bến du thuyền hoạt động không có giấy phép, thời hạn đăng kiểm tàu Dìn Ký số hiệu BD - 0394 đã hết vào ngày 28/1/2011 và đặc biệt là tài công Lê Văn Đức không có bằng lái tàu, nhưng khi nhận được sự phân công của người phụ trách chính đã lên điều khiển con tàu ra sông và gặp nạn.
Quá trình khám nghiệm hiện trường ban đầu còn cho thấy, con tàu BD - 0394 đáy nông, không thể cân bằng tải trọng 2 tầng của con tàu. Đặc biệt, khi đánh nổi tàu lên mặt nước, đội trục vớt phát hiện đáy của tàu Dìn Ký thủng một đường bề ngang hơn 10cm, dài khoảng 7m.
Theo các nhân viên đội trục vớt, có thể do quá trình chìm, bị va đập tạo nên các lỗ thủng trên. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người “trong nghề” thì khả năng con tàu bị thủng trùng với thời điểm mưa to, gió, sóng lớn khiến nước tràn vào trong khoang dẫn đến tàu bị nghiêng và chìm khá nhanh, khiến mọi người không kịp phản ứng.
Một nguồn tin cho hay, cuối năm 2010, tàu Dìn Ký BD - 0394 khi lưu thông trên đoạn sông Sài Gòn (tiếp giáp giữa xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM) đã bị lực lượng thanh tra giao thông đường thủy TPHCM xử phạt vì không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một tài công lái tàu này còn bị xử phạt, giữ bằng lái 6 tháng.
Dự kiến trong sáng nay 25/5, ngoài cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thì Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ có mặt tại hiện trường để khám nghiệm hiện trường con tàu, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ chìm tàu.
Trước vụ tai nạn tang thương trên sông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thanh, kiểm tra các bến cảng, bến du lịch, khu du lịch sông nước dọc trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương… Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, dư luận nhận thấy những động thái của các ngành chức năng đang theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bộ GTVT vừa ra văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng các địa phương trên cả nước tăng cường kiểm tra hoạt động chở khách du lịch bằng phương tiện thủy. Đây là động thái mới nhất của Bộ này sau tai nạn tàu Dìn Ký (Bình Dương) làm 16 người thiệt mạng. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng tại các địa phương khai thác vận chuyển khách du lịch trên vùng hồ, vùng vịnh, đường thủy nội địa phải tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật mà trọng tâm là đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch có sử dụng phương tiện tàu gỗ, tàu du lịch nhiều tầng, nhà hàng nổi; Kiên quyết đình chỉ các phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có đầy đủ bằng lái và chứng chỉ chuyên môn theo quy định; đình chỉ các hoạt động bến khách (có chở khách du lịch) không đủ điều kiện an toàn, hoạt động trái phép; Khuyến cáo đối với các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; cần thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, dự phòng những diễn biến bất thường của thời tiết để có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình hoạt động của phương tiện. Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa. Theo thống kê từ Bộ GTVT, từ đầu năm 2011, tại các vùng hồ, vùng vịnh và 1 số tuyến đường thủy nội địa trên cả nước đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tàu chở khách du lịch, nhà hàng nổi gây thiệt hại về người và tài sản và bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó, nhà hàng nổi 2 tầng Mỹ Khánh - Phong Điền (Cần Thơ) bị nghiêng chìm làm 2 người bị thương xảy ra hôm 8/1; vụ tai nạn ngày 17/2 xảy ra đối với tàu du lịch 2 tầng Trường Hải chìm tại vịnh Hạ Long làm 12 người chết; ngày 8/5, tàu du lịch của công ty Hạ Long chở 8 du khách bị đâm và chìm trên vịnh Hạ Long nhưng rất may không có ai tử vong; gần đây nhất là vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra đối với tàu Dìn Ký (Bình Dương) xảy ra trên sông Sài Gòn hôm 20/5 khiến 16 người thiệt mạng. Những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra tai nạn đối với các tàu du lịch, nhà nổi do người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động thủy nội địa, an toàn phương tiện, quy trình vận hành và khai thác phương tiện, quy định về quản lý vận tải hành khách du lịch, ảnh hưởng của thời tiết bất thường… (Quỳnh Anh) |
Trung Kiên