1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ "khủng bố" bằng ô tô ở Hà Nội: Khó xử lý hành vi đỗ xe chắn cửa?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Chuyên gia pháp lý cho rằng, lực lượng chức năng khó xử phạt vi phạm hành chính đối với người thường xuyên có hành vi đỗ xe ô tô chặn trước cửa ra vào nhà dân ở Hà Nội.

Quyền lợi của chủ nhà bị xâm phạm khi nào?

Chia sẻ quan điểm về vụ việc cuộc sống gia đình ông Phí Hữu T. (65 tuổi; ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị ảnh hưởng vì liên tục bị xe ô tô của người lạ đỗ chặn trước cửa ra vào, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 18, 19 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định người điều khiển phương tiện cần đảm bảo các quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ, đường phố.

Vụ khủng bố bằng ô tô ở Hà Nội: Khó xử lý hành vi đỗ xe chắn cửa? - 1

Hình ảnh xe ô tô của người lạ thường xuyên đỗ chặn trước cửa ra vào ngôi nhà của ông T. (Ảnh: Thành Trung).

Theo đó, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như: Bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định…

Tại Điều 19 của luật này quy định, khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.

"Từ quy định trên có thể thấy, người dân hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe ở những nơi không có biển cấm, và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo Luật giao thông đường bộ" - luật sư Tiền nhận định.

Đáng chú ý, theo luật sư Tiền, hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định này, các hành vi có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính là hành vi đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.

"Chỉ các trường hợp đậu xe trên tuyến đường có biển báo cấm đỗ mới có căn cứ để tiến hành xử phạt, còn các trường hợp tài xế cho xe đỗ chắn mặt tiền, lối ra vào thì rất khó xử lý, chỉ nhắc nhở chứ không đủ căn cứ để lập biên bản xử phạt" - ông Tiền phân tích.

Nêu quan điểm về vụ việc đang xảy ra đối với gia đình ông T., luật sư Tiền cho rằng, việc bị người lạ đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của nhà mặt tiền, khi nó thật sự cản trở sự ra vào, cản trở đến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà.

"Trường hợp này, chủ nhà cần giữ bình tĩnh, không nên to tiếng, có lời lẽ không phù hợp, hoặc tự ý có những hành động như vẽ sơn hay đập phá xe ô tô cố ý dừng đỗ chặn trước cửa nhà. Việc này có thể gây ra hậu quả pháp lý liên quan đến hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Thay vào đó, nếu các bên không tìm được tiếng nói chung thì chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là thông báo sự việc lên cơ quan công an địa phương, cảnh sát giao thông khu vực để được giải quyết" - ông Tiền nói.

Vụ khủng bố bằng ô tô ở Hà Nội: Khó xử lý hành vi đỗ xe chắn cửa? - 2

Lực lượng chức năng "than" khó xử lý người có hành vi điều khiển xe ô tô đỗ trước cửa gia đình ông T. (Ảnh chụp màn hình).

Chủ xe ô tô đang lợi dụng "khe hở" của luật?

Như Dân trí đã đưa tin, thời gian vừa qua, cuộc sống gia đình ông Phí Hữu T. bị ảnh hưởng vì liên tục bị xe ô tô của người lạ đỗ chặn trước cửa ra vào. Theo ông T., những chiếc xe ô tô này thường xuyên đỗ trước cửa nhà ông từ khoảng 2 - 3h sáng sang tận ngày hôm sau. Sự việc diễn ra liên tiếp trong các ngày từ 18 - 21/7 vừa qua.

Khi gia đình nhà ông T. trình báo sự việc đến cơ quan chức năng về việc bị "khủng bố" bằng xe ô tô thì mới có người đến lái xe đi chỗ khác.

"Điều gây ức chế cho các thành viên trong gia đình là chiếc xe thường xuyên đỗ chặn vào khung giờ đi làm buổi sáng khiến người thân gia đình không thể đi làm đúng giờ; cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn" - ông T. chia sẻ và cho biết đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc này.

Một cán bộ có trách nhiệm tại xã Đức Thượng cho biết, vụ việc đã được chính quyền sở tại nắm bắt, tiếp nhận và từng đứng ra khuyên mỗi bên nên "nhường nhịn nhau một chút".

Theo vị cán bộ này, khu vực nhà ông T. nằm trên đường Quốc lộ 32, không có biển cấm đỗ, cấm dừng. Vì vậy, mỗi khi ông T. bị chặn ô tô trước cửa và điện báo thì Đội Trật tự giao thông, Công an huyện Hoài Đức và Đội Cảnh sát giao thông số 9 - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đều có mặt nhưng chủ yếu "xuống hòa giải chứ không có giải pháp gì". Cán bộ công an cũng cho rằng chủ xe ô tô đang "lợi dụng khe hở của luật" để dừng đỗ xe trước cửa nhà ông T.