1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ hủy hoại rừng Kẻ Gỗ: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

(Dân trí) - Sau 3 ngày xét xử, phiên toà sơ thẩm vụ "huỷ hoại rừng phòng hộ Kẻ Gỗ" đã kết thúc vào chiều qua 29/8. Bản án đã được tuyên nhưng nhiều ý kiến không đồng tình với HĐXX vì họ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Với tội danh lợi dụng việc bàn giao thực địa đất giao khoán rừng của đơn vị không cụ thể để thuê người chặt phát, đốt rừng nằm ngoài diện tích rừng được giao khoán và chưa được quy hoạch trồng cây nguyên liệu, gây thiệt hại 39,12 ha rừng tự nhiên trạng thái IIb, tại khoảnh 7, Tiểu khu 321, bị cáo Nguyễn Trọng Hải, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3 bị tuyên phạt 38 tháng tù giam.

3 bị cáo còn lại lĩnh những mức án nhẹ hơn và được hưởng án treo. Cụ thể, bị cáo Lê Tự Kỳ, Trưởng BQL khu BTTN Kẻ Gỗ nhận mức án 23 tháng 26 ngày, Nguyễn Trọng Hảo (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6) lĩnh 36 tháng và bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ kỹ thuật) lĩnh 15 tháng tù.

Ngoài 4 bị cáo trên, dù thiếu tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên các ông: Phan Văn Tiến (Hạt trưởng) Nguyễn Hữu Hùng, Cao Văn Bằng (Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên), Nguyễn Quang Châu (Khu BTTN Kẻ Gỗ), Ngô Phúc Nhạc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan và Trần Đình Thiệu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh được miễn xử lý hình sự.

Kết thúc phiên sơ thẩm, không hiểu lý do gì, TAND huyện Cẩm Xuyên cũng loại bỏ trách nhiệm của các Sở TNMT và NN&PTNT dù chính kết luận số 1479/QĐ ngày 26/9/2007 của Sở NN&PTNT tỉnh này đã thừa nhận, 2 sở trên đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh cho 2 công ty Lâm nghiệp Hà Tĩnh, Công ty TNHH Ngọc Hải thuê hàng nghìn ha rừng. Sau khi giao rừng, 2 Sở đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo kịp thời”.

Bản thân các bị cáo cũng tự bào chữa trước tòa rất có lý, nếu không có sự tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chuyển đổi rừng phòng hộ Kẻ Gỗ sang rừng sản xuất chắc chắn sẽ không có vụ phá rừng nói trên.

Luật sư Hoàng Thúc Tính, người bào chữa cho 2 bị cáo Nguyễn Trọng Hải và Nguyễn Trọng Hảo bức xúc: “Theo quy định của luật tố tụng, trước khi phiên tòa diễn ra chúng tôi đã đề nghị HĐXX mời đại diện Sở TNMT đến dự, đối chất, nhưng yêu cầu của chúng tôi không được thực thi. Vì vậy một số chứng cứ pháp lý cần được xác minh làm rõ tại phiên tòa đã không thể thực hiện và nó ảnh hưởng rất lớn đến bản án đã tuyên”.

Với quan điểm này, luật sư Tính khẳng định sẽ cùng với thân chủ của mình đấu tranh đến cùng để vụ án được xét xử lại.

Vụ phá rừng tại Hà Tĩnh tạm khép lại, tuy nhiên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, với sự thiếu công tâm của các quan tòa, bản án có đủ sức răn đe những kẻ phá rừng và rồi đây liệu rừng có thôi bị phá?

Nhóm PV Hà Tĩnh