1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Tĩnh:

Các bị cáo "huỷ hoại rừng phòng hộ Kẻ Gỗ" hầu tòa

(Dân trí) - Chiều 26/8, Toà án nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã khai mạc phiên toà xét xử sơ thẩm vụ "huỷ hoại rừng phòng hộ Kẻ Gỗ". 4 bị cáo trong vụ án đều là những cán bộ của Ban quản lý Khu bảo Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Cẩm Xuyên, vụ việc bắt đầu sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch 552 ha đất rừng tại tiểu khu 325A Khu BTTN Kẻ Gỗ để trồng cây nguyên liệu phục vụ nhà máy băm dăm Vũng Áng theo quyết định số 2425/QĐUB- ngày 21/10/2003.

Trong quá trình bàn giao đất rừng và bàn giao thực địa BQL Khu BTTN Kẻ Gỗ đã không kịp thời kiểm tra, không cắm mốc chỉ giới nên đã bị các bị cáo lợi dụng chặt phá, đốt rừng gây thiệt hại 51,98 ha rừng tự nhiên trạng thái IIb.

Với những hậu quả trên, hai bị cáo Nguyễn Trọng Hải (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3) và Nguyễn Trọng Hảo (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6) bị truy tố về tội “huỷ hoại rừng” theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 189 BLHS.

Hai bị cáo còn lại là Lê Tự Kỳ (Trưởng BQL Khu BTTN Kẻ Gỗ) và Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ kỹ thuật) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Khoản 2 Điều 285 BLHS.

Ngoài 4 bị cáo bị truy tố nói trên, cáo trạng còn nêu rõ trách nhiệm liên đới của các ông: Phan Văn Tiến (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên), Nguyễn Hữu Hùng, Cao Văn Bằng (kiểm lâm viên phụ trách địa bàn) vì đã không ngăn chặn kịp thời, thiếu sự kiểm tra dẫn đến việc phá rừng trong một thời gian dài; Ngô Phúc Nhạc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan và Trần Đình Thiệu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh chưa làm tròn trách nhiệm, để các đối tượng chặt phá rừng trên địa bàn mà không phối hợp ngăn chặn.

Trong số những cán bộ liên đới nói trên thì ông Phan Văn Tiến không có mặt theo lệnh triệu tập của tòa.

Mặc dù đã có 4 bị cáo bị truy tố, nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng, đứng đầu chính quyền cấp xã liên đới trách nhiệm và hơn 30 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ hủy hoại rừng, tuy nhiên, ghi nhận của PV Dân trí vào buổi đầu xét xử đã có nhiều ý kiến không đồng tình với bản cáo trạng của VKS ND huyện Cẩm Xuyên.

Người dân tham dự phiên tòa, đặc biệt là nhiều cán bộ thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ khẳng định “4 bị cáo bị truy tố chỉ là “thí tốt” thay cho nhiều cán bộ cấp trên”.

Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại, đây là một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ từ xã đến tỉnh nên việc để TAND cấp huyện xét xử chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Với nhiều bị cáo bị truy tố cùng thời gian xét xử lên đến 3 ngày… đây được coi là vụ án liên quan đến rừng lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Tĩnh.

Nhóm PV Hà Tĩnh