1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ "hôi" bia ở Biên Hòa: Tấm băngrôn của lòng tự trọng

Một người đàn ông vừa giăng một tấm băngrôn ghi dòng chữ: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4.12”.

Vụ hôi bia ở Biên Hòa: Tấm băngrôn của lòng tự trọng
 
Đây là một lời xin lỗi chung cho cả cộng đồng, một sự thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, một sự đánh thức lòng tự trọng cho mọi công dân.

 

Dư luận phẫn nộ, lên án về vụ hôi của vừa xảy ra. Tuy nhiên, cũng nên nhìn ở góc lạc quan hơn, đó là chính vụ việc quá xấu hổ này đã tạo ra sự phản tỉnh trong cộng đồng. Những phản ứng quyết liệt trên báo chí và các trang mạng đã nói lên điều đó. Chúng ta có thể tin rằng, qua những phản ứng của dư luận, nhiều người tham gia hôi của đã tự thấy được hành động không tốt của mình, như trường hợp một người phụ nữ đã rất ân hận khi bị đứa con gái hỏi: “Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”. Người phụ nữ này lấy bia như vô thức, như bị đám đông lôi kéo, trước sự chứng kiến của con mình. Nhưng khi bình tĩnh lại, bà biết mình đã phạm sai lầm. Bà đã nói: “Tôi thật sự nhục nhã và thấy mình không còn tư cách để giáo dục con nữa”.

 

Trong xã hội có nhiều sai lầm tương tự từ một cá nhân hoặc một nhóm người, một tập thể, nhưng vẫn còn thiếu những phản ứng công khai và quyết liệt từ phía dư luận để tạo sự phản tỉnh. Một nhóm người hôi của làm xấu hình ảnh của cộng đồng sẽ bị lên án  rất gay gắt, bị phê phán nặng nề, vậy thì đối với các sai lầm từ bất cứ ai, bất cứ tập thể nào, quyền lực nào cũng cần có thái độ như vậy.

 

Có những sai lầm không chỉ làm xấu hổ của cộng đồng, mà hạ thấp hình ảnh của cả đất nước. Vụ giới thiệu thắng cảnh du lịch của Trung Quốc trong gian hàng Việt Nam xảy ra ở Đức là một ví dụ, chưa kể những phát ngôn "gây sốc” khiến cộng đồng quốc tế xem thường Việt Nam.

 

Báo chí và dư luận từng phản ánh nhiều vụ việc như kẹt xe, ngập nước, xây dựng công trình kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, thế nhưng chưa mấy khi tìm thấy được một lời nhận lỗi, càng hiếm có một sự bày tỏ công khai bằng “tấm băngrôn của lòng tự trọng” như một công dân vừa thực hiện ở Biên Hòa. Và thử hỏi, những người có vị trí và trách nhiệm với xã hội, gây ra những điều sai trái, có mấy ai ăn năn sám hối như người phụ nữ đã kể trên?

 

Xã hội này đang thiếu những tấm băngrôn của lòng tự trọng. Không nhất thiết phải giương lên công khai giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cần người gây ra sai lầm biết “treo” tấm băngrôn đó lên trong lương tâm của mình.

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động