1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ học sinh cấp 2 bị đưa lên xã vì nhặt giấy: Luật sư nói gì?

(Dân trí) - Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, việc cán bộ UBND xã Hưng Thắng đưa cháu Nguyễn Thị N.A về trụ sở để làm việc, lấy lời khai mà không thông báo và mời đại diện gia đình cháu lên là trái quy định của pháp luật.


Khu vực trước cổng Trường Mầm non Hưng Thắng nơi cháu Nguyễn Thị N.A bị giữ lại.

Khu vực trước cổng Trường Mầm non Hưng Thắng nơi cháu Nguyễn Thị N.A bị giữ lại.

Như Dân trí đã thông tin, theo trình bày của chị Nguyễn Thị Thủy (xã Hưng Thắng, Hưng Nguyên, Nghệ An), chiều ngày 13/12, con gái chị là cháu Nguyễn Thị N.A (sinh ngày 13/12/2002, học sinh lớp 9) đến Trường mầm non Hưng Thắng để đón 2 em. Đến khoảng 16h10, chị Thủy nhận được tin là con gái đang bị ông Phan Quang Mão – Chủ tịch UBND xã Hưng Thắng giữ lại trước cổng trường nên chạy lên.

Tại đây, ông Chủ tịch xã cho biết, con gái chị phát một số giấy tờ có nội dung lôi kéo, kích động phụ huynh Trường mầm non nghỉ học để phản đối những sai phạm về thu chi đầu năm của trường này. Sau đó cháu N.A được về trụ sở UBND xã Hưng Thắng nhưng gia đình không được thông báo về việc này.

Khi chị Thủy có mặt tại trụ sở UBND xã, thì thấy ông Mão, Phó Chủ tịch, Phó trưởng Công an xã đang làm việc với cháu A. Buổi làm việc được ghi vào biên bản ghi lời khai (biên bản này không có số, do ông Lê Đức Hòa – Phó trưởng CA xã lập và ghi). Khi Sau đó chị Thủy được đề nghị ký vào biên bản nên đã ký. Đến 18h cùng ngày cháu N.A được cho về nhà.

Sự việc diễn ra vào giờ học sinh tan học, với sự chứng kiến của nhiều phụ huynh đã gây bức xúc trong dư luận. PV Dân trí đã liên lạc với ông Phan Quang Mão để có câu trả lời của ông Chủ tịch UBND xã nhưng không nhận được sự hợp tác.

Biên bản ghi lời khai của Phó trưởng Công an xã Hưng Thắng đối với cháu Nguyễn Thị N.A, trong đó Chủ tịch Hội LHPN xã là người giám hộ, mẹ cháu A. là người chứng kiến.
Biên bản ghi lời khai của Phó trưởng Công an xã Hưng Thắng đối với cháu Nguyễn Thị N.A, trong đó Chủ tịch Hội LHPN xã là người giám hộ, mẹ cháu A. là người chứng kiến.

Dư luận cho rằng, việc đưa một cháu bé mới 14 tuổi về trụ sở UBND xã và tổ chức lấy lời khai mà không thông báo cho gia đình, không mời đại diện gia đình làm người giám hộ hợp pháp cho cháu trong khi làm việc với cơ quan chức năng (cụ thể là công an xã) là vi phạm quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật Đại Thành (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Việc cán bộ UBND xã Hưng Thắng đưa cháu Nguyễn Thị N.A về trụ sở UBND để làm việc, lấy lời khai mà không thông báo và mời đại diện gia đình (bố, mẹ) cháu N.A lên là trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, luật sư Anh Tuấn nói rõ: Căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, căn cứ khoản 2, Điều 306, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003; căn cứ khoản 3, khoản 4, Điều 10, Thông tư số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; đối chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2005 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Cháu N.A sinh năm 2002, là người chưa thành niên, do vậy trong trường hợp này đại diện theo pháp luật của cháu N.A là bố mẹ cháu.

Khi cán bộ UBND xã Hưng Thắng lấy lời khai của cháu N.A thì phải thông báo trước cho bố mẹ cháu về thời gian, địa điểm để bố mẹ cháu tham gia với tư cách người đại diện. Chỉ trong trường hợp người chưa thành niên không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia việc lấy lời khai thì phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan khác như cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc luật sư.

Hoàng Lam