1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ giành con hy hữu

Bé gái 7 tuổi một mực đòi được ở với mẹ nuôi, kiên quyết không chịu về với mẹ ruột theo phán quyết của tòa án.

“Cầm trên tay bản án giải quyết vụ tranh chấp quyền nuôi một đứa bé, tôi thầm nghĩ phải chi có một tòa án lương tâm phân xử…” - một cán bộ công tác ở ngành tòa án thốt lên đầy tâm trạng khi bắt đầu câu chuyện.
 
Chị T.H.T, sinh năm 1982, là con gái của một gia đình ở tỉnh Cà Mau. Cách đây hơn 7 năm, T. mang thai với một người đàn ông đã có gia đình. Để tránh tai tiếng, người nhà đã sắp xếp cho chị tạm lánh khỏi địa phương một thời gian. Sau đó, T. sinh được một bé gái đặt tên là Thu Tâm. Vào tháng 7-2004, bé Thu Tâm mới vài tháng tuổi, được đưa về nhà bà Dương Mỹ Kim ở phường 7, TP Cà Mau (Cà Mau) nuôi dưỡng. Ban đầu, bà Kim nhận nuôi dưới danh nghĩa là nuôi thuê, mỗi tháng 600.000 đồng.
 
Vụ giành con hy hữu - 1
Bé Khỏe (phải) sống hạnh phúc, vui vẻ trong gia đình bà Dương Mỹ Kim.
 
Tuy nhiên, bà Kim chỉ nhận được tiền công 3 tháng đầu, sau đó bặt tin T.. Bấy giờ, chị Dương Mỹ Phương (em ruột của bà Kim) là gái chưa chồng. Trong lúc bé Thu Tâm cần một tấm giấy khai sinh nên chị Phương đành nhận mình chính là người sinh ra bé. Trong giấy khai sinh, bé Thu Tâm được đổi tên thành Dương Mỹ Khỏe. Bé Khỏe lớn dần và trong mắt cháu, chị Phương là mẹ. Cháu đã sống vui vẻ, hạnh phúc, với đầy đủ tình thương của mọi người trong gia đình bà Kim.

Cuối năm 2009, chị T.H.T tìm đến nhà bà Kim và chị Phương xin nhận lại con. Phía bà Kim bị sốc nhưng cũng sớm nhận ra lẽ phải. Bà nói với T.: “Chúng tôi không ngăn cản cô nhận lại con. Tình mẫu tử thiêng liêng đó không ai có quyền chia cắt nhưng giờ bé Khỏe không biết cô là mẹ nó, vậy cô hãy tới lui thường xuyên để tập làm mẹ và để cháu có cảm tình với cô rồi hãy đưa nó về!”.

Chị T. đã đến gặp con, dắt con đi chơi và ngủ với con nhiều lần. Đến giữa năm 2010, T. làm liều, dắt bé Khỏe lên TPHCM, nơi T. đang sống và làm việc. Tuy nhiên, bé Khỏe đã cự tuyệt và khóc riết, đòi về với “mẹ” Phương và bà Kim. Biết vậy, gia đình bà Kim tìm mọi cách và cuối cùng đã đưa được bé trở lại với gia đình. Sau đó, chị T. khởi kiện đòi con. Trước tòa, gia đình bà Kim vẫn giữ quan điểm không cố giữ bé Khỏe, không muốn chia cắt tình mẫu tử của bé và chị T. nhưng yêu cầu chị T. phải gắng học làm được một người mẹ tốt của bé.
 
Cuối cùng, tòa tuyên bé Khỏe được giao trả lại cho mẹ ruột và phía chị T. phải trả lại công nuôi dưỡng cho phía bà Kim số tiền 37.200.000 đồng. Chị T. chống án, không chấp nhận trả số tiền trên. Hai lần cán bộ thi hành án đã đến nhà bà Kim yêu cầu tự nguyện thi hành án, bé Khỏe đã hai lần chạy trốn. Ông Trương Văn Đên, Phó chi cục trưởng Thi hành án Dân sự TP Cà Mau, kể lại: “Thấy chúng tôi đến, bé Khỏe mặt tái nhợt, chạy vào nhà ôm chặt chân bà Kim.
 
Bà Kim gỡ tay bé ra và giục bé chạy lên lầu trốn. Tôi khựng lại trước bậc thềm, vờ chờ đoàn cán bộ cùng vào nhà bà Kim. Bà Kim nói lập cập: “Bé Khỏe đi chơi rồi! Khi nào nó về tôi báo cho mấy chú hay!”. Tôi cố tình tỏ ra không tin, đi sâu vào phía trong nhà như để tìm bé Khỏe. Thật ra, lúc đó tôi không còn nghĩ đến nhiệm vụ của mình, chỉ muốn xem bé được sống và học tập ra sao tại nhà bà Kim. Bé được ngủ với bà Kim, có nhiều áo quần và đồ chơi trẻ con trong căn phòng đó. Góc học tập của bé được bà Kim chọn nơi tốt nhất trong nhà, bàn ghế tươm tất”.

Buổi làm việc kết thúc với một biên bản về hành vi không tự nguyện thi hành án của bà Dương Mỹ Kim. Trước khi ra về, đoàn cán bộ thi hành án không quên giải thích với bà Kim và gia đình về việc nếu không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế. Phía gia đình bà Kim thì phản hồi rằng mình không chống lại pháp luật nhưng phải bên giao tiền, bên giao con. Sau khi đoàn công tác ra về, nước mắt của những người trong gia đình bà Kim đã rơi. Ai cũng cảm nhận được tội lỗi với bé Khỏe khi thốt lên câu một bên giao tiền, một bên giao người. Chị Phương buồn bã nói: “Chúng tôi chỉ nói đối phó với đoàn công tác thi hành án vậy thôi. Thật sự chúng tôi chỉ cần bé Khỏe được sống thật hạnh phúc, được nuôi dưỡng và được học hành đàng hoàng!”.
Theo DUY NHÂN
Người lao động