1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ Giám đốc Sở đãi tiệc trong giờ hành chính: Xử lý vi phạm thế nào?

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi bỏ nhiệm sở trong giờ hành chính đi ăn tiệc nhà Giám đốc sở của các cán bộ Sở LĐ-TB-XH TPHCM có thể bị xử lý bằng hình thức khiển trách. Còn cán bộ lãnh đạo có thể bị giáng chức nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Như Dân trí đã đưa tin, chiều 10/6, người dân phản ánh hàng chục xe ô tô mang biển số xanh của TPHCM, tỉnh Bình Phước xếp hàng dài trước nhà tân Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn, tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi để ăn tiệc.

Sau đó, UBND TP đã chỉ đạo thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy thông tin trên là đúng sự thật. Thanh tra TP xác định cả ông Lê Minh Tấn và các cán bộ, nhân viên của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP đi dự tiệc đều vi phạm. Các sai phạm tập trung vào 2 vấn đề: sử dụng giờ công vào việc riêng và sử dụng xe công không đúng quy định.

Dàn xe biển xanh đậu kín đường trước nhà ông Tấn trong chiều 10/6
Dàn xe biển xanh đậu kín đường trước nhà ông Tấn trong chiều 10/6

UBND TP cho biết vì ông Tấn là Thành ủy viên, cán bộ do Thành ủy TPHCM quản lý nên chờ kết quả xử lý từ Thành ủy. Còn đứng về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh, cho biết là có thể áp dụng Nghị định 34 năm 2011 và Nghị định 192 năm 2013 để xử lý những vi phạm này.

Đi ăn tiệc trong giờ hành chính

Theo quy định tại Quyết định số 188 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ thì chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo chỉ thị 05 năm 2008 của Thủ tướng về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi games trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực; Phải có mặt đúng giờ tại công sở theo giờ hành chính hoặc theo quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Như vậy, trường hợp này, các cán bộ Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã làm việc riêng trong giờ công, trốn việc là vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng. Trường hợp này thuộc những hành vi cán bộ không được làm theo quy định tại điều 18 Luật cán bộ, công chức 2008.

Về xử lý kỷ luật đối với Công chức được áp dụng theo Nghị định 34 năm 2011 của Chính phủ. Định tính vụ việc thì các cán bộ trên đã bỏ nhiệm sở và công việc thường nhật của mình không có lý do chính đáng. Theo điều 9 của nghị định này thì hình thức xử lý là khiển trách.

Còn đối với công chức lãnh đạo có thể bị xử lý hình thức kỷ luật là giáng chức hoặc cách chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả rất nghiêm trọng.

Dùng xe công để đi việc riêng

Theo khoản 3 điều 6 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 thì việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản nhà nước lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh trái pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 07 năm 2014 của Bộ Tài chính thì việc bố trí, sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; bố trí, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân là hành vi bố trí, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích.

Hành vi dùng xe công (biển xanh) để chở cán bộ đến dự tiệc nhà giám đốc sở rõ ràng là hành vi dùng xe công để đi việc riêng, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích. Hành vi này có chế tài rất rõ ràng và dễ xử lý.

Cụ thể, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 192 năm 2013 của Chính phủ. Mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi bố trí, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp bố trí, sử dụng tài sản là xe ô tô.

Còn công chức sẽ bị khiển khách nếu sử dụng tài sản công trái pháp luật theo khoản 5 Điều 9 Nghị định 34 năm 2011 của Chính phủ.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh