1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm: Giấy chứng nhận gây hiểu nhầm?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Sau vụ cơ sở giá đỗ ủ chất cấm nhưng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đề nghị nghiên cứu lại tiêu đề của giấy này để giảm... hiểu nhầm.

Ngày 31/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk có báo cáo Bộ NN&PTNT và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về vụ việc sản xuất giá đỗ ủ chất cấm tại địa phương này.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, có 6 cơ sở cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng và Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 6 cơ sở này.

Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm: Giấy chứng nhận gây hiểu nhầm? - 1

Cơ sở Lâm Đạo đã ngâm ủ hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ nhưng vẫn cung cấp sản phẩm có bao bì ghi "không hóa chất, không chất kích thích..." (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trong 6 cơ sở làm giá đỗ có Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo) đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động: sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh vào ngày 22/4.

Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong năm qua, các cơ quan quản lý của tỉnh, huyện đã kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, 6 cơ sở nêu trên chưa được kiểm tra qua các đợt thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.

Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm: Giấy chứng nhận gây hiểu nhầm? - 2

Ông Lâm Văn Đạo, chủ cơ sở Lâm Đạo (Ảnh: Công an cung cấp).

Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho rằng, cơ sở Lâm Đạo xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói, nên không lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.

Đồng thời, do cơ sở này xếp vào loại B (việc cấp giấy chứng nhận sẽ xếp loại A, B, C) nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk nhận thấy, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và bất cập.

Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm: Giấy chứng nhận gây hiểu nhầm? - 3

Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở Lâm Đạo (Ảnh: Uy Nguyễn).

Do đó, Sở này đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010; sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư nhằm xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu lại việc sử dụng tiêu đề "Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm", để làm rõ ràng hơn, giảm thiểu sự hiểu nhầm của người dân. Điển hình, cơ sở Lâm Đạo thực chất chỉ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động sơ chế, đóng gói, kinh doanh.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, đây thực chất chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chứng nhận cho những điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị… phục vụ cho công đoạn sơ chế, đóng gói; không phải là chứng nhận đủ điều kiện cho toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chất lượng sản phẩm và cũng không thể ngăn ngừa được hành vi cố tình sử dụng chất cấm.

"Riêng đối với các trường hợp cố tình sử dụng chất cấm chỉ có qua tin báo, các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề có lấy mẫu kiểm nghiệm mới có thể phát hiện và xử lý vi phạm", báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Lắk nêu rõ.

Công an Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Các đối tượng đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất có thể gây dị tật cho con người để ngâm, ủ giá đỗ.

Theo cơ quan công an, trong năm 2024, nhóm đối tượng của 6 cơ sở đã bán ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.

Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.

Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.