1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ dân đòi bờ biển: Bí thư Thanh Hóa trực tiếp đối thoại với dân

(Dân trí) - “Đề nghị các cấp phải thương dân, quan tâm, bảo vệ đời sống nhân dân vì nhân dân là gốc. Nghề truyền thống lưới chài trên biển phải giữ lại để con cháu sau này tiếp nối. Dân biển phải có biển, vừa nghề truyền thống, vừa nghề sinh sống của nhân dân. Nhân dân theo nghề truyền thống và xin giữ 1km bờ biển thôi...”, ngư dân phát biểu tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

“Nhân dân chỉ xin giữ 1km bờ biển thôi”

Như đã đưa tin, từ ngày 26/2 đến ngày 6/3, hàng trăm người dân các xã, phường thuộc thị xã Sầm Sơn đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn khiến người dân lo “mất kế sinh nhai”. Đặc biệt là nghề đánh bắt hải sản cũng gặp khó khăn vì theo quy hoạch, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân xa hơn nhiều so với bến đỗ truyền thống.

Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói chuyện với ngư dân
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói chuyện với ngư dân

Sáng nay, 7/3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ trì buổi đối thoại với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn để giải đáp những thắc mắc của người dân về vấn đề trên. Hàng nghìn người dân trên địa bàn thị xã Sầm Sơn đã đến hội trường Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn tham dự buổi đối thoại này.

Người dân phát biểu ý kiến
Người dân phát biểu ý kiến

Tại buổi đối thoại, ông Vũ Như Kính, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn cho biết: “Đề nghị các cấp phải thương dân, quan tâm, bảo vệ đời sống nhân dân vì nhân dân là gốc. Nghề truyền thống lưới chài trên biển phải giữ lại để con cháu sau này tiếp nối. Dân biển phải có biển, vừa nghề truyền thống, vừa nghề sinh sống của nhân dân. Về mức đền bù, người dân không nhận một đồng nào hết. Nhân dân theo nghề truyền thống và xin giữ 1km bờ biển thôi, còn lại giải quyết cho du lịch Sầm Sơn”.

Hầu hết các ý kiến của ngư dân là đề nghị tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho dân khoảng 500 - 1.000m bờ biển để ngư dân phát triển làng nghề và tham gia phục vụ du lịch, bảo đảm kế sinh nhai...

Đầu tư Sầm Sơn thành khu du lịch trọng điểm

Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - tiếp nhận các ý kiến của người dân, động viên người dân yên tâm, tỉnh sẽ có hướng giải quyết các vấn đề bà con còn thắc mắc.


Ông Chiến động viên người dân yên tâm, tỉnh sẽ giải đáp các thắc mắc.

Ông Chiến động viên người dân yên tâm, tỉnh sẽ giải đáp các thắc mắc.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân và bàn biện pháp tháo gỡ.

Thông tin tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó thị xã Sầm Sơn là trọng điểm du lịch của tỉnh. Trước đây, du lịch Sầm Sơn chỉ có phát triển trong mùa hè, mục tiêu mới là chuyển sang du lịch nghỉ dưỡng 4 mùa trong năm.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương tập trung đầu tư phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đặc biệt là kinh tế, nhằm nâng cao đời sống của người dân, trong đó có ngư dân. Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút đầu tư, nhiều dự án trọng điểm đã được đầu tư, xây dựng. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho kinh tế nói chung và du lịch nói riêng khoảng 3.300 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư từ doanh nghiệp, như Tập đoàn FLC; đầu tư dự án sân gold, khu du lịch sinh thái...

Nhờ tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nên cơ sở hạ tầng khang trang hơn, chất lượng du lịch được nâng lên. Trong đó, Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”, nhằm khai thác 3,5km bờ biển Sầm Sơn. Đây là bãi biển được người Pháp chọn trên 100 năm nay, là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc. Chủ trương cải thiện hình ảnh, cảnh quan du lịch, xây dựng Sầm Sơn thành đô thị du lịch thân thiện là chủ trương đúng đắn để đưa Sầm Sơn sớm thành trọng điểm du lịch quốc gia.

Tỉnh Thanh Hóa đã lập dự án, phê duyệt quy hoạch gồm 13 khu chức năng, có tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng. Dự án này có chủ trương xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT. Hiện nay đã chọn được nhà đầu tư và đang tiến hành xây dựng, hoàn thành trước 30/3/2016 để phục vụ du lịch hè.

“Nhà đầu tư được phép khai thác, kinh doanh trong phạm vi cho phép trong quy hoạch. Còn lại UBND thị xã Sầm Sơn quản lý tất cả các công trình công cộng, người dân thị xã vẫn được phép đăng ký kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn. Không phải nhà đầu tư quản lý toàn bộ bờ biển, mọi người dân vẫn được sở hữu và sử dụng”, ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định.

Để đảm bảo thực hiện dự án và ổn định đời sống của ngư dân bị ảnh hưởng của dự án, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách 705 để hỗ trợ ngư dân. Đây là chính sách đặc thù, ban hành dành riêng cho ngư dân thị xã Sầm Sơn.

Đến hơn 10h sáng nay, buổi đối thoại vẫn đang được tiếp tục với nhiều thắc mắc của ngư dân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến buổi đối thoại trên.

Duy Tuyên - Thái Bá