1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ dân đòi bờ biển: “Bà con cứ làm như lâu nay”

(Dân trí) - "Hướng giải quyết của tỉnh là bà con nào đồng ý với chủ trương, chính sách của tỉnh thì nhận tiền và thực hiện theo các chủ trương trong quyết định của tỉnh; bà con nào mà vì nhiều lý do khác nhau, chưa thông với chủ trương của tỉnh thì vẫn làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác và cứ đậu thuyền…", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến nói sau khi nhận khuyết điểm với ngư dân.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đối thoại với dân

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến phát biểu như vậy tại buổi đối thoại với bà con ngư dân các xã, phường Quảng Cư, phường Bắc Sơn, Trung Sơn và phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn diễn ra tại Trung tâm bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn sáng nay, 7/3.

Mở đầu phần phát biểu của mình, ông Trịnh Văn Chiến chia sẻ: “Việc xảy ra như những ngày vừa qua là rất đáng tiếc. Dù bất cứ ở góc độ nào, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, tôi thấy có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn”.

Ngư dân Sầm Sơn đến dự buổi đối thoại với Bí thủ Tỉnh ủy
Ngư dân Sầm Sơn đến dự buổi đối thoại với Bí thủ Tỉnh ủy

Ông Trịnh Văn Chiến đã tổng hợp ý kiến của ngư dân thị xã Sầm Sơn: “Về quy hoạch cho thị xã Sầm Sơn đẹp hơn là bà con ngư dân đồng tình nhưng ý kiến của bà con là phải chú ý quyền lợi cho dân. Có ý kiến đề nghị để lại 300m và có ý kiến 500m cũng có ý kiến 1.000m, còn ý kiến của ngư dân đề nghị để lại nhiều nhất là 1,5km bờ biển. Ngoài ra, bà con còn đề nghị làm làng nghề, dịch vụ, tạo cuộc sống cho dân tốt hơn. Ngoài ra, thời gian qua có một số việc xảy ra, có thể do người dân chưa nhận thức được đầy đủ, ảnh hưởng về pháp luật, bà con đề nghị chính quyền nương tay, giơ cao đánh khẽ”.

Ngay sau khi hỏi ý kiến của bà con và được sự đồng tình của những người tham gia buổi đối thoại, ông Chiến đã lần lượt giải đáp những ý kiến mà người dân đã phản ánh.

“Trong những ngày qua, tôi nghe rất nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và chủ trương, chính sách của tỉnh Thanh Hóa. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng đắn nên tập trung đông người, kéo lên các cơ quan của tỉnh và thị xã Sầm Sơn là vi phạm pháp luật và hạ thấp hình ảnh con người Sầm Sơn”.

Hàng nghìn ngư dân tham dự buổi đối thoại
Hàng nghìn ngư dân tham dự buổi đối thoại

Đồng thời, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định: “Biển là của đất nước, trong đó có người Sầm Sơn. Biển phải có Nhà nước quản lý bằng pháp luật hiện hành và phát triển đi lên gắn với lợi ích của nhân dân. Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng”.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp, nhưng khai thác chưa hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cải tạo nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và cải trang bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương để đưa bãi biển Sầm Sơn thành một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước.

“Hình ảnh con người Thanh Hóa có đẹp hay không, thân thiện không là có hình ảnh con người Sầm Sơn. Tỉnh đã đầu tư rất lớn vào Sầm Sơn, đồng thời kêu gọi đầu tư vào đây gần 10.000 tỷ đồng, để làm cho Sầm Sơn thay đổi nhanh hơn. Và Sầm Sơn đang từ du lịch một mùa, chuyển thành du lịch bốn mùa, bà con sẽ có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ du lịch hơn. Bản thân tôi cũng rất xúc động khi trong quá trình các nhà đầu tư vào Sầm Sơn, nhiều bà con cũng đã hi sinh một phần cho sự phát triển của thị xã”, ông Chiến chia sẻ.

Vụ dân đòi bờ biển: “Bà con cứ làm như lâu nay” - 3
Ngư dân phát biểu ý kiến của mình
Ngư dân phát biểu ý kiến của mình

Trong quá trình thực hiện dự án chỉnh trang đường Hồ Xuân Hương, một số hộ dân của các xã, phường như Quảng Cư, Bắc Sơn, Trường Sơn, Trung Sơn bị ảnh hưởng. Tỉnh Thanh Hóa đã căn cứ vào chủ trương của Chính phủ và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các chính sách.

"Qua tuyên truyền, vận động tôi được biết rất nhiều bà con ủng hộ chủ trương, chính sách của tỉnh và muốn nhận tiền nhưng do một bộ phận tác động, do có níu kéo nên chưa dám thực hiện nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy một bộ phận bà con chưa đồng tình với chủ trương, chính sách của tỉnh. Đúng không ạ?" - ông Chiến hỏi.

“Chưa đúng” - người dân đáp lại.

Tức là sao, chưa đúng ở chỗ nào” - ông Chiến hỏi. “Chưa có ai nhận tiền hết” - bà con đáp lời.

“Tức là chưa có ai nhận tiền chứ gì. Có nghĩa là còn phần lớn là chưa đồng tình. Được không? Thống nhất không?” - ông Chiến hỏi. Cả hội trường lại ồn ào.

Tôi nói là có đa số bà con chưa đồng tình với chủ trương, chính sách của tỉnh, được chưa - ông Chiến tiếp tục hỏi. Cả hội trường đồng thanh trả lời: “Được”.

Ông Chiến nói tiếp: “Chủ trương của Chính phủ của tỉnh là đúng, nhưng một bộ phận bà con chưa thông”, cả hội trường lại hô vang: “Tất cả chưa thông”.

“Vậy thì đồng ý là tất cả đi” - ông Chiến nói.

Ông Chiến nói tiếp, thứ nhất, chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, vì Sầm Sơn và vì bà con Sầm Sơn, nhưng bà con chưa thông. Thứ hai, chủ trương đã có từ lâu, nhưng chính sách thì mới ban hành từ mùng 1/3/2016. Do thời gian ngắn, cho nên việc tuyên truyền, vận động, phân tích cho bà con hiểu được chính sách, thấy được cái lợi ích của chính sách, thấy được cái cơ hội rất thuận lợi để thay đổi, nâng cấp nghề của mình còn khó khăn.

Thứ ba, để chuẩn bị cho buổi tiếp bà con hôm nay, tôi đã yêu cầu văn phòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh rà lại tất cả các văn bản chỉ đạo về Sầm Sơn nhiều năm nay, đặc biệt là 2 năm gần đây.

Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao đổi với người dân
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao đổi với người dân

Ở Tỉnh ủy có 3 văn bản, UBND tỉnh có 1 văn bản, nhưng tuyệt đối không có văn bản nào nói rõ ngày mấy, tháng mấy, năm mấy thì phải di chuyển bến thuyền, mà rõ nhất, cụ thể nhất là Thông báo số 01-TB/VPTU ngày 2/10/2015, Thường trực Tỉnh ủy có chỉ đạo là: Giao Thị ủy, UBND thị xã Sầm Sơn tìm bến đỗ mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại bến mới, đảm bảo các yâu cầu cho ngư dân neo đậu thuyền, bè, mủng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phù hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động thống nhất với bà con ngư dân khi đủ điều kiện cần thiết tổ chức chuyển sang bến mới. Văn bản trên cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo điều hành các công việc này. Mặc dù chỉ đạo tại Thông báo 01 nêu trên như vậy, nhưng quá trình tổ chức thực hiện của các cấp các ngành từ tỉnh đến thị xã Sầm Sơn chưa đạt yêu cầu.

Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu ra hướng giải quyết: “Thứ Nhất, bà con nào đồng ý với chủ trương chính sách của tỉnh thì nhận tiền và thực hiện theo các chủ trương trong quyết định 705 của UBND tỉnh; Thứ hai, bà con nào mà vì nhiều lý do khác nhau, chưa thông với chủ trương của tỉnh thì vẫn làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác và cứ đậu thuyền, vì Thường trực Tỉnh ủy đã nói như trên rồi; Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh, đến thị xã Sầm Sơn, tập trung chỉ đạo, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân, tổ chức điều tra những cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước, hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội”.

Người dân đồng tình với những vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giải đáp
Người dân đồng tình với những vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giải đáp
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bắt tay người dân sau khi kết thúc buổi đối thoại
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bắt tay người dân sau khi kết thúc buổi đối thoại

“Nếu tỉnh chưa đồng ý mà di dời bến thuyền của bà con, tôi với trách nhiệm là người đứng đầu sẽ tiếp thu và xử lý vấn đề này. Mong bà con hiểu, Sầm Sơn tốt đẹp là rất quan trọng để xây dựng Thanh Hóa phát triển. Tôi đề nghị chúng ta phải thống nhất với chủ trương của tỉnh, chia sẻ, thống nhất với tỉnh. Đề nghị bà con chú ý, thực hiện tốt việc này. Những ý kiến đề nghị của bà con tôi đã giải quyết hết rồi”.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Trịnh Văn Chiến cho biết: “Những ai có ý kiến khác, đề nghị viết ra giấy, gửi lại cho chúng tôi, sẽ có bộ phận tập hợp lại và trả lời cho bà con. Còn cái chung bà con đã đồng ý rồi và tôi đã giải quyết rồi”.

Liên quan đến việc bà con ngư dân đề nghị xin 500 - 1.500m bờ biển, ông Chiến khẳng định: “Tỉnh chưa có chỉ đạo về việc di dời bến thuyền của bà con, nếu ai tìm được một văn bản đến ngày nọ, tháng kia, năm nào mà chỉ đạo phải di dời thì gửi lên cho tôi, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi sẽ chỉ đạo xử lý... Bà con cứ thực hiện và làm như lâu nay, không vấn đề gì cả” (hội trường rộ lên tiếng vỗ tay).

Buổi đối thoại kết thúc lúc 10h45 phút, người dân ra về.

Duy Tuyên - Thái Bá