1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ dân cả thập kỷ chờ xã trả đất: Cán bộ bỏ tiền túi nộp thuế đất cho dân

Tiến Thành Đặng Tài

(Dân trí) - Để khắc phục khuyết điểm, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo xã Quảng Lưu đã bỏ ra số tiền hơn 100 triệu đồng để đóng thuế đất, làm sổ đỏ cho 3 hộ dân.

Liên quan đến vụ việc 3 hộ gia đình tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đổi đất cho xã xây dựng trường học, hội trường ủy ban và quy hoạch khu dân cư nhưng suốt cả thập kỷ không được cấp đất mới, mà Báo Dân trí đã phản ánh, các cấp chính quyền tại Quảng Bình đã vào cuộc giải quyết triệt để.

Vụ dân cả thập kỷ chờ xã trả đất: Cán bộ bỏ tiền túi nộp thuế đất cho dân - 1

Đến nay, các hộ dân đổi đất tại xã Quảng Lưu đã được cấp sổ đỏ và đầy đủ quyền lợi.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, đến nay các hộ dân đổi đất tại xã Quảng Lưu đã được cấp sổ đỏ và đầy đủ quyền lợi.

Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả cũng như những khuyết điểm dẫn đến bức xúc kéo dài cho người dân, lãnh đạo huyện Quảng Trạch đã đề nghị các cán bộ và nguyên cán bộ xã Quảng Lưu liên quan đến sự việc, bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng để đóng thuế đất làm sổ đỏ cho 3 hộ dân đổi đất tại thôn Vân Tiền.

Như Dân trí đã phản ánh, vào năm 2007, thương binh Lê Văn Chung (SN 1941), trú thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch được chính quyền xã vận động đổi 100 m2 đất ở để mở rộng khuôn viên xây dựng Trường THCS Quảng Lưu (nay là Trường Tiểu học Quảng Lưu). Theo đó xã Quảng Lưu sẽ cấp bù cho gia đình ông Chung 1 thửa đất khác có diện tích 229 m2 tại khu quy hoạch Nương Dưa, thôn Vân Tiền.

Vụ dân cả thập kỷ chờ xã trả đất: Cán bộ bỏ tiền túi nộp thuế đất cho dân - 2

Trụ sở UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch

Thế nhưng đã gần 14 năm trôi qua, thỏa thuận cấp đất cho gia đình thương binh Lê Văn Chung vẫn chỉ là lời hứa trên giấy, bởi mảnh đất mà chính quyền xã nói sẽ đổi cho gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không chỉ gia đình ông Chung, 2 hộ gia đình khác là ông Phạm Hà Đông và bà Nguyễn Thị Dinh (SN 1953) ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trường hợp của ông Đông, vào năm 2007, hộ gia đình này cũng được xã Quảng Lưu vận động và thỏa thuận đổi 204 m2 đất ở lấy 240 m2 đất tại khu vực Nương Dưa, thôn Vân Tiền. Xã đổi đất nhằm sử dụng một phần đất ở của ông Đông để mở rộng khuôn viên xây dựng hội trường UBND xã Quảng Lưu.

Hội trường xã đã xây xong trên đất ở của ông Đông và đưa vào sử dụng nhiều năm qua, nhưng mảnh đất mới mà xã Quảng Lưu hứa cấp cho gia đình ông thì vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vụ dân cả thập kỷ chờ xã trả đất: Cán bộ bỏ tiền túi nộp thuế đất cho dân - 3

Lãnh đạo huyện Quảng Trạch đã đề nghị các cán bộ và nguyên cán bộ xã Quảng Lưu liên quan đến sự việc, bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng để đóng thuế đất làm sổ đỏ cho 3 hộ dân đổi đất tại thôn Vân Tiền.

Còn với gia đình thương binh Nguyễn Thị Dinh, vào năm 2011, khi thực hiện dự án quy hoạch chi tiết khu dân cư Nương Dưa, thôn Vân Tiền, UBND xã Quảng Lưu đã thỏa thuận với gia đình bà đổi 261 m2 đất trồng cây lâu năm lấy một thửa đất khác với diện tích 242 m2.

Diện tích đất của mà bà Dinh trao đổi hiện nay đã được UBND xã Quảng Lưu đưa vào quy hoạch để phân lô, bán cho nhiều người dân và đã được cấp sổ đỏ. Riêng phần đất xã hứa cấp cho bà Dinh thì vẫn chưa có giấy tờ.

Vụ dân cả thập kỷ chờ xã trả đất: Cán bộ bỏ tiền túi nộp thuế đất cho dân - 4

Những thỏa thuận cấp đất của UBND xã Quảng Lưu cách đây cả thập kỷ.

Sau khi báo Dân trí phản ánh vụ việc nêu trên, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (nay là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) cũng đã chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch nhanh chóng xử lý vụ việc.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quảng Trạch cũng rốt ráo vào cuộc, xử lý dứt điểm vụ việc nêu trên. Kết quả, sau cả thập kỷ chờ đợi, vào đầu tháng 9 vừa qua, 3 hộ dân tại xã Quảng Lưu đã đòi được quyền lợi.

Những thương binh đổi đất hơn 10 năm trước rưng rưng khi cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tay, lời hứa hơn 1 thập kỷ tưởng chừng đã bị lãng quên nay đã được thực hiện.