1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

An Giang:

Vụ đại gia thủy sản đi nước ngoài rồi biệt tăm: Phong tỏa tài khoản công ty

(Dân trí) - Ngày 21/2, nguồn tin riêng của PV Dân trí cho biết, TAND tỉnh An Giang vừa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Thuận An (gọi tắt là Công ty Thuận An) mở tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh An Giang.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi nhánh An giang, do ông Bùi Thanh Quang – Giám đốc Agribank An Giang đại diện theo ủy quyền đã có đơn khởi kiện Công ty Thuận An và được TAND tỉnh An Giang thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Theo đơn khởi kiện, Agribank An Giang yêu cầu: Công ty Thuận An phải thanh toán ngay số tiền nợ vay đối với Agribank An Giang tính đến ngày 29/12/2016 là trên 492 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 488 tỷ.

Ngoài ra, Agribank An Giang cũng đề nghị tuyên phát mãi toàn bộ tài sản đảm bảo của Công ty Thuận An theo các hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ cho Agribank An Giang.

Trong trường hợp số tiền thu được sau khi phát mãi tài sản của Công ty Thuận An không đủ trả nợ, Công ty Thuận An phải tiếp tục trả số nợ còn thiếu cho ngân hàng.

Trước yêu cầu của nguyên đơn, TAND tỉnh An giang đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản của Công ty Thuận An, đồng thời quyết định này cũng phong tỏa tài sản của công ty.
Trước yêu cầu của nguyên đơn, TAND tỉnh An giang đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản của Công ty Thuận An, đồng thời quyết định này cũng phong tỏa tài sản của công ty.

Đến thời điểm này, Agribank An Giang là đơn vị đầu tiên kiện Công ty Thuận An ra tòa để đòi nợ. Ngoài ra, các hộ nuôi cá tra ngoài chuỗi liên kết cũng đã có đơn kiện công ty này.

Như Dân trí đã thông tin, từ năm 2014, được sự thuận chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra” với sự tham gia giữa 3 bên gồm: Công ty Thuận An, Ngân hàng NN&PTNT An Giang và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Argibank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Argibank trả tiền thay… Cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán độc quyền cho Công ty Thuận An, sau đó công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất phấn khởi, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra. Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, lãnh đạo Công ty Thuận An bất ngờ đi “công tác nước ngoài”, sau đó không trở về khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh điêu đứng.

Hiện tại, có 12 hộ nuôi cá trong dự án nợ ngân hàng tổng số tiền 129 tỷ đồng.

Xung quanh vấn đề xử lý nợ giữa công ty Thuận An, Agribank An Giang và các hộ nuôi cá tra trong chuỗi liên kết, một cán bộ trong Tổ xử lý nợ cho biết, trong 2 cuộc họp gần đây, phía ngân hàng Agribank An Giang vẫn bảo lưu quan điểm buộc nông dân nuôi cá tra phải trả tiền thức ăn mà ngân hàng đã giải ngân cho nông dân.

Tuy nhiên, quan điểm này không được các thanh viên tổ xử lí nợ đồng thuận. Việc này phải giải quyết theo cam kết, nông dân đã giao cá cho công ty Thuận An là đã hoàn thành nghĩa vụ. Trường hợp nông dân giao cá nhiều, số tiền cấn trừ tiền thức ăn còn dư thì ngân hàng phải trả cho nông dân; ngược lại nông dân giao cá ít, tiền bán cá còn thiếu so với tiền nhận thức ăn thì nông dân phải trả số tiền này cho ngân hàng.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cơ cấu nợ cho công ty Thuận An.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm