1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ CSGT tung chân: CSGT cũng nhiều lần bị "ăn đạp"

(Dân trí) - Sự việc một CSGT Hà Nội tung chân về phía người vi phạm đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Không đồng tình với cách chặn bắt xe vi phạm của đồng nghiệp, song chia sẻ với phóng viên, các chiến sĩ CSGT thuộc Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết chính họ cũng không ít lần bị người vi phạm cho... "ăn đạp".

Sự việc một cán bộ Đội CSGT số 3 (Phòng PC67 - CATP Hà Nội) tung chân vào người vi phạm khiến dư luận những ngày qua “chia phe”. Nhiều ý kiến cho rằng hành động trên của cán bộ CSGT phản cảm, gây nguy hiểm cho người vi phạm và cả người tham gia giao thông khác.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, hành động trên của cán bộ CSGT là cần thiết khi gặp những trường hợp đi xe lạng lách, đánh võng, coi thường tính mạng người tham gia giao thông khác.

Chia sẻ về vụ "tung chân", trò chuyện với các chiến sĩ CSGT ngày ngày làm nhiệm vụ trên các tuyến đường Thủ đô, PV Dân trí nghe được nhiều chuyện nghề bi hài.

Nhiều lần “ăn đạp”

Từng công tác qua 3 đơn vị thuộc Phòng PC67, Thượng úy Q. (hiện công tác tại Đội CSGT số 4) nhiều lần gặp các trường hợp bị người vi phạm chửi bới, thậm chí chống đối, chống người thi hành công vụ.

Khoảng tháng 10/2015, thời điểm còn công tác tại Đội CSGT số 5, quá trình làm nhiệm vụ tại ngã ba Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn, Thượng úy Q. ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe máy do một nam thanh niên điều khiển vì vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ.


Chiến sĩ CSGT phơi mình giữa trời nắng xử lý vi phạm giao thông.

Chiến sĩ CSGT "phơi mình" giữa trời nắng xử lý vi phạm giao thông.

“Anh ta tăng ga đâm thẳng vào tôi khiến tôi phải né người để tránh. Lúc đó, gậy chỉ huy giao thông có va vào người anh ta. Đi được một đoạn, thanh niên này lái xe đi ngược chiều quay lại ngã ba trên, hô hoán là CSGT đánh dân” - Thượng úy Q. nhớ lại.

Trước tình huống người vi phạm liên tục chửi bới, thậm chí xô đẩy, Thượng úy Q. cùng tổ công tác vẫn cố gắng bình tĩnh xử lý. Trong khi đó, một số người dân chứng kiến sự việc từ đầu do bức xúc đã lao vào đánh thanh niên này.

“Để đảm bảo an toàn cho thanh niên này, chúng tôi đã đưa anh ta về trụ sở công an phường. Sau khi bình tĩnh lại, anh này đã nhận lỗi và xin được CSGT bỏ qua hành vi thô lỗ” - Thượng úy Q. cho hay.

Nhớ lại khoảng thời gian công tác tại Đội CSGT số 2, Thượng úy Q. cùng các chiến sĩ trong Đội nhiều lần chặn dừng các phương tiện vi phạm biển cấm, thậm chí đi ngược chiều trên đường Trần Phú tại nút giao cắt với đường Điện Biên.

“Bản thân tôi và nhiều cán bộ khác trong Đội từng bị người vi phạm đạp thẳng vào người khi ra hiệu lệnh dừng phương tiện đi ngược chiều. May mắn, không ai bị các phương tiện khác đâm phải” - Thượng úy Q. chia sẻ.

Đầu năm 2011, khi đang phân luồng giao thông vào giờ cao điểm ở nút giao thông ngã năm Yên Phụ, Thượng úy Q. nhắc nhở hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm. Đáp lại, hai thanh niên trên dừng xe cách nút giao thông chừng 100 m, đi bộ quay lại chửi bới, xô đẩy.

“Hai thanh niên nữa cùng nhóm hai người trên đi xe máy đến, nhổ nước bọt thẳng vào mặt tôi” - Thượng úy nói và cho biết, hai trong số 4 thanh niên trên sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ, xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Xé biên bản trước mặt CSGT

Quá trình chỉ huy các tổ công tác của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ, Thượng úy H. chứng kiến không ít lần người vi phạm cố tình chọc tức các chiến sĩ trong tổ. Nhiều trường hợp người vi phạm vượt qua chốt trực còn quay lại, giơ tay chào để trêu tổ công tác.

“Gặp nhiều nhất là trường hợp người vi phạm sau khi nộp phạt tại chỗ đã xé biên bản và phiếu phạt ngay trước mặt tổ công tác, kèm theo những lời nói khó nghe. Các vụ việc chúng tôi đều phải bình tĩnh, giải thích rõ dù người dân có bức xúc” - Thượng úy H. nói.

Thiếu úy Kim Anh chỉ huy, điều khiển giao thông.
Thiếu úy Kim Anh chỉ huy, điều khiển giao thông.

Khoảng 10 ngày trước, tổ công tác của Thượng úy H. chặn dừng, xử lý trường hợp một nam thanh niên trẻ tuổi, đầu tóc bóng mượt, điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe cũng như giấy phép lái xe.

“Cậu ta xin xỏ, nói là nhà gần nhưng chúng tôi yêu cầu tối thiểu phải có giấy tờ xe để chứng minh xe hợp pháp. Thấy thái độ chúng tôi cứng rắn, cậu ta quay ra chửi bới rồi bỏ xe lại, đi luôn” - Thượng úy H. kể.

Vài ngày sau, chị gái của thanh niên trên đến trụ sở Đội CSGT số 3 xin nộp phạt và cho biết, em trai chị vốn hết sức ngỗ ngược, không nghe lời bất kỳ ai trong gia đình. Dù chị này rất thành khẩn, song do không có mặt người vi phạm, cán bộ Đội CSGT số 3 kiên quyết không xử lý vì không đúng quy định.

Có mặt tại các nút giao thông trọng điểm của Hà Nội từ những ngày đầu Phòng PC67 triển khai đưa nữ CSGT ra điều khiển giao thông, có lẽ vì là con gái nên đến nay Thiếu úy Nguyễn Thị Kim Anh (Đội CSGT số 2) chưa gặp phải những trường hợp chống đối quá đà của người vi phạm. Tuy nhiên nữ CSGT trẻ rất hay nhận được những câu trêu đùa của người đi đường.

“Hồi mới xuống đường điều khiển giao thông, em cũng như các nữ chiến sĩ khác còn ngượng ngùng, chưa quen với công việc mới. Nhiều lúc đỏ mặt vì ngượng trước những câu trêu đùa quá trớn của các thanh niên đi ngang qua” - Thiếu úy Kim Anh nhớ lại những ngày đầu xuống đường khi còn công tác tại Đội CSGT số 7.

“Bây giờ em tự tin hơn rồi. Thi thoảng vẫn có người trêu “em ơi, xinh quá” hay “nắng thế này mà không về à” nhưng em quen rồi” - Thiếu úy Kim Anh nói và bày tỏ sự chia sẻ với các nam đồng nghiệp khi thường xuyên gặp phải các trường hợp người vi phạm không hợp tác, chống đối bằng vũ lực...

Tiến Nguyên