Vũ công biểu diễn khêu gợi ở Bùi Viện TPHCM, chính quyền xử lý ra sao?
(Dân trí) - Vũ công ăn mặc mát mẻ, liên tục nhảy múa tại phố đi bộ Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) khiến nhiều du khách ái ngại. Chính quyền đã xử phạt gần 500 triệu đồng.
0 giờ, tiếng nhạc EDM (nhạc điện tử) vẫn dồn dập trong mớ ánh sáng xanh đỏ khắp con phố Bùi Viện. Đứng bên trong một quán bar, anh Tân (40 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) liên tục nhún nhảy và gọi thêm bia.
Đây là chai thứ 3 anh Tân sử dụng trong đêm. Cạnh đó, vài người bạn phương xa của anh vô cùng hào hứng, dùng điện thoại ghi lại thước phim về các vũ công nhảy nhót trên các chiếc bục bằng gỗ.
Ghi nhận vào đêm 5/7, hàng chục quán bar, beer club tại Bùi Viện đều đông nghẹt khách. Bàn ghế tràn lan ra lòng đường, nhân viên liên tục chèo kéo, mời gọi khách hàng khiến con phố vô cùng bát nháo.
Du khách nói gì trước những vũ công ăn mặc khêu gợi?
Vài hôm trước, 6 người bạn của anh Tân từ Hà Nội vào TPHCM để du lịch. Nhanh chóng, anh Tân đã lựa chọn Bùi Viện là điểm đến trong lịch trình để bạn bè cảm nhận không khí Sài Gòn về đêm.
"Không khí tấp nập, mọi thứ đều vui vẻ. Điều này có mặt lợi khi kích thích khách tham quan, thế nhưng cần phải vừa phải, đừng nhố nhăng và vượt qua thuần phong mỹ tục", anh Tân chỉ về hướng một vũ công mặc đồ "2 mảnh" và trả lời phóng viên Dân trí.
Theo anh Tân, từ lâu, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… đều có những khu vui chơi dành riêng cho người lớn, vô vàn vũ công nhảy nhót suốt đêm nhằm phục vụ du khách. Thế nhưng, hoạt động này nằm trong quy định cho phép và nhận được sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương.
"Trải nghiệm ở Thái Lan còn bạo hơn Việt Nam nhưng họ quản lý chặt nên cảm nhận bình thường, còn Việt Nam vì vẫn thuần phong mỹ tục nên tạo mọi người suy nghĩ nó là điều gì đó ghê gớm, nếu có quy định rõ ràng thì mình nghĩ tất cả sẽ tốt hơn", anh Tân bày tỏ.
Tại những quán bar lớn, các vũ công thường xuyên nhảy múa khêu gợi. Thông thường mỗi quán sẽ có từ 5-10 vũ công hoạt động từ trước sảnh cho đến bên trong. Bên cạnh các vũ công ăn mặc phù hợp với hoạt cảnh, một vài người vẫn xuất hiện trong tình trạng quần áo mát mẻ khiến các du khách ái ngại.
"Ban đầu mình nghĩ nó sẽ giống phố Tạ Hiện, nhưng ở TPHCM đã Tây hóa nên thoải mái, mát mẻ hơn", anh Quang Anh (32 tuổi, một du khách Hà Nội) chia sẻ.
Đứng bên trong quán bar, người đàn ông ngại ngùng khi chứng kiến nữ vũ công mặc áo 2 dây. Theo anh Quang Anh, thực tế hoạt động nhảy múa để kích cầu du lịch là đáng khích lệ, thế nhưng nếu quá phản cảm sẽ tạo ra tác dụng ngược.
"Dưới góc nhìn của mình thì một vài vũ công đang không gây thiện cảm lắm! Bùi Viện là một phố đi bộ mở, nhiều người dân, trẻ con nên nếu muốn duy trì thì cần chặt chẽ hơn để tránh làm suy lệch suy nghĩ cho giới trẻ", người đàn ông nói.
Không được nằm ngoài khuôn khổ văn hóa
Từ đầu năm 2023, UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) đã tổ chức buổi tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố đi bộ Bùi Viện thực hiện nghiêm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Từ tháng 10/2022 đến nay, phường đã tiến hành kiểm tra 98 lượt và ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 500 triệu đồng đối với các trường hợp sai phạm ở lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Trong đó, đề xuất ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 179.750.000 đồng với lỗi vi phạm: không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật (phát hiện cơ sở có vũ công nữ nhảy múa).
"Qua việc quản lý, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, mình thấy tuyến phố Bùi Viện cơ bản đang tốt lên, vũ công đã ăn mặc hạn chế, không còn phản cảm. Thế nhưng, thực tế ở Bùi Viện còn nhiều khó khăn như khi lực lượng chức năng kiểm tra là bỏ chạy, vũ công lấy lý do là khách vì uống vui quá nên đứng lên nhảy cho có không khí khiến họ rất khó để xử phạt.
Còn về mặt tích cực, tôi thấy nếu thực hiện đúng cam kết thì hoạt động này sẽ giúp phát triển du lịch, kích cầu kinh tế trong tình trạng suy thoái như bây giờ", một chủ quán nhậu trên đường Bùi Viện chia sẻ.
Về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (Trưởng khoa Văn hóa học, ĐH KHXH & NV TPHCM) nhận định: Mục đích của phố đi bộ Bùi Viện là tạo không gian văn hóa, giải trí và thu hút khách du lịch, từ đó mang lại giá trị kinh tế và xã hội. Thế nhưng các hoạt động này không được nằm ngoài khuôn khổ văn hóa.
"Nếu việc nhảy các vũ điệu đường phố, tập thể mang tính chất văn minh thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng mọi hành vi kiếm tiền từ việc phô diễn thân thể, nhất là người phụ nữ, thì sẽ làm phản giá trị và mầm mống của những hệ lụy phi văn hóa, đe dọa đạo đức xã hội Việt Nam", PGS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
Trước quan điểm các nước trong khu vực đã phát triển loại hình trên và thu hút mạnh mẽ khách du lịch, ông Thơ cho biết, Thái Lan là câu chuyện đặc thù, thế nhưng hiện nay các quốc gia trên thế giới đều không mô phỏng hình thức du lịch tại đất nước này.
"Mặc dù Thái Lan có nhiều giải pháp quản lý sex tourist (du lịch tình dục), nhưng thực tế danh tiếng du lịch nước này trên trường quốc tế vẫn phần nào bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nhạy cảm này", vị PGS nói.
Riêng đối với trường hợp Singapore, bởi tỷ lệ dân số nam cao hơn nữ, vì vậy việc mở phố đèn đỏ là để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự chênh lệch dân số nam/nữ trong cán cân hôn nhân. Từ xuất phát điểm này mà hoạt động gắn với phô diễn thân thể phụ nữ tại Singapore được mở rộng trong du lịch.
"Các quốc gia trên đều có quy hoạch riêng khu phố giải trí, cách xa khu dân cư nên ít ảnh hưởng, đặc biệt họ hạn chế tuyệt đối trẻ vị thành niên đến đó. Việt Nam không nên tham khảo những trường hợp này.
Nhu cầu du khách là vô cùng, song Việt Nam chúng ta cần định hướng thẩm mỹ du khách và tạo dựng thương hiệu riêng cho du lịch đậm đà bản sắc", ông Thơ nói thêm.
Trong thời gian tới, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) sẽ tiếp tục tiến hành tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các phương thức hoạt động của nhà hàng, quán bar có vũ công nhảy biểu diễn nghệ thuật mang tính chất phản cảm.
Đồng thời phường cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội quận 1 để kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các địa điểm kinh doanh có mô hình biểu diễn nghệ thuật (nhảy múa) ăn mặc phản cảm, chấn chỉnh tiếng ồn tại cơ sở kinh doanh.