1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ chìm tàu: 18 tiếng kinh hoàng chống chọi với sóng cấp 7

(Dân trí) - Đến 20h ngày 9/7, sức khỏe của 13 thuyền viên tàu BTh 96984 TS đã ổn định. Nhưng với họ những gì vừa xảy ra trên biển như vẫn hiện hữu ngay trước mắt.

Buổi chiều định mệnh

Thuyền viên Nguyễn Ngọc Trịnh, một trong những người có sức khỏe tốt nhất trong số thuyền viên mới được đưa vào bờ vẫn còn nhớ như in giây phút con tàu bị sóng biển đánh chìm: “Lúc đó, sóng mạnh lắm, nước tràn vào thuyền lớn cộng với sóng vỗ mạnh làm tàu bị nghiêng. Rồi đồ đạc trên tàu bắt đầu đổ xuống làm tàu bị chìm. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến chúng tôi không kịp lấy áo phao”.

Còn Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn, người được ngư dân Bình Thuận mệnh danh là “sói biển” Trường Sa thì có lẽ anh sẽ không bao giờ quên được khoảng khắc đó.

“Lúc đó là 14h chiều ngày 8/7, giông nổi lên rất nhanh. Sóng biển mạnh khoảng cấp 7, sóng cao vỗ vào khắp nơi trên tàu. Nước tràn vào tàu nhiều nên không kịp thoát ra, sóng biển đập liên tiếp làm tàu bị nghiêng hẳn về mạn trái. Tôi chỉ còn biết cầm bộ đàm gọi cho ghe gần đó và hô lớn cho thuyền viên nhảy ra khỏi tàu”, anh Toàn kể.

18 tiếng kinh hoàng chống chọi với sóng cấp 7
Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn bàng hoàng kể lại giây phút chống chọi với sóng dữ trên biển (ảnh: Trúc Hà)

Sau khi tàu bị chìm, 19 thuyền viên trên tàu BTh 96984 TS cố tìm các vật nổi để bám vào. Rất may, lúc bị chìm tàu BTh 96984 TS mang theo ngư lưới cụ và cội trà để ra điểm đánh bắt nên tất cả thuyền viên đều tìm được vật bám. 1 giờ sau khi tàu bị chìm, ụ lưới mà hơn 10 thuyền viên đang bám bị chìm sâu dưới nước. Thuyền viên phải bơi tìm vật bám khác. “Một số thuyền viên tìm được 1 mảng tre và chèo lên trên đó. Tôi và 11 bạn thuyền khác bám vào 2 cây tre, số còn lại bán vào các can nhựa chờ người đến cứu. Nếu lúc đó mà tàu đi phía sau nhận được tín hiệu thì mọi người đã được cứu hết”, Thuyền trưởng Toàn nhớ lại.

Đêm xuống, 19 thuyền viên đối mặt với cái lạnh cắt da, cắt thịt của nước biển. Đói, lạnh làm một số thuyền viên có biểu hiện xuống sức. Sóng biển lúc đó vẫn ở cấp 6, cấp 7 thuyền viên vừa chống lại cái rét vừa cố bám vào vật nổi để không bị sóng cuốn trôi. “Đến khoảng 2, 3 giờ sáng ngày 9/7, một số thuyền viên không còn trụ nổi nữa, chúng tôi một tay bám vào cây tre, một tay giữ bạn thuyền để họ không bị sóng cuốn đi. Lúc đó chúng tôi chỉ còn biết dùng hết sức mình bảo vệ bạn thuyền và cố gắng chờ cho trời sáng hi vọng sẽ có người cứu”, anh Toàn nói.

"Số thuyền viên còn lại đang bám vào can nhựa"

Sau 18 tiếng lênh đênh trên biển, đối diện với cái lạnh, chống chọi với sóng biển 10 thuyền viên của tàu BTh 96984 TS đã được tàu giã cào ở phường Bình Hưng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cứu vào lúc 8h sáng. Sau đó khoảng 30 phút, 3 thuyền viên khác của tàu cũng được một tàu khác của tỉnh Bình Thuận cứu sống. “Tất cả 19 thuyền viên đều thoát được ra ngoài trước khi thuyền bị đánh chìm. Ngoài số thuyền viên bám trên bè và 2 cây tre thì số còn lại bám vào số cạn nhựa đựng nước trên tàu”, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho biết.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện công tác tìm kiếm 6 thuyền viên còn lại trên tàu BTh 96984 TS vẫn đang tiếp tục. Song sóng lớn có thể đã đẩy các thuyền viên ra xa hơn vị trí bị nạn ban đầu. Hiện các đội tìm kiếm đã mở rộng phạm vi tìm kiếm lên hơn 20 hải lý so với vị trí ban đầu. Sóng lớn cộng với đêm tối đang gây khó khăn rất lớn cho công tác tìm kiếm số thuyền viên còn lại. Ngoài số tàu cứu hộ của bộ đội biên phòng tỉnh, Quân chủng Hải quân thì tại hiện trường còn có khoảng gần 10 tàu cá của ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… đang tham gia công tác tìm kiếm.

Trúc Hà – Việt Khuê