Vụ “cà phê Xin Chào ở Hà Nội”: Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 lần đều rơi vào im lặng (?!)
(Dân trí) - Liên quan đến sự việc tranh chấp cổ đông, HĐQT kéo dài hơn 10 năm qua tại Công ty cổ phần Hữu Nghị, trước đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Phó Thủ tướng) đã hai lần chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Công an giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trả lời đại biểu Quốc hội; nhưng đến nay dường như đều rơi vào im lặng.
Phó Thủ tướng 2 lần chỉ đạo giải quyết
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngoài việc đề nghị làm rõ những dấu hiệu bất minh, vi phạm pháp luật trong việc mua bán cổ phần tại Công ty cổ phần Hữu Nghị (23 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), nhóm cổ đông 17 người còn đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc năm 2009, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định thu hồi trên 400 m2 đất của Công ty cổ phần Hữu Nghị tại số 15+27 Yên Phụ (quận Tây Hồ) để Công an phường Yên Phụ xây trụ sở làm việc mà không đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
Về sự việc này, tháng 10/2012, VKSND Tối cao đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho rằng, quyền sử dụng trên 400 m2 đất tại 15+27 Yên Phụ là tài sản của doanh nghiệp nên được UBND quận Tây Hồ cho phép thành lập Trường mầm non Tuổi thơ vào năm 1999. Sau nhiều năm hoạt động, Trường mầm non Tuổi thơ đã giải quyết được cơ bản những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ, góp phần tích cực vào công cuộc xã hội hóa giáo dục.
Việc UBND TP Hà Nội cho rằng doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, sử dụng đất kém hiệu quả là thiếu khách quan và không đúng thực tế. Với lý do này, nhiều cổ đông của Công ty cổ phần Hữu Nghị đã gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan Trung ương.
Căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/2008, VKSND Tối cao đã đề nghị Văn phòng Chính phủ kiểm tra, giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông Công ty cổ phần Hữu Nghị theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu này cũng đồng thời được gửi tới Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.
Trước những tố cáo gay gắt, phản ánh nhiều bất thường tại Công ty cổ phần Hữu Nghị, ngày 27/11/2012 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9668/VPCP-V1 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời điểm đó, yêu cầu giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng Hà Nội vẫn không hồi âm.
Văn bản chỉ đạo giải quyết sự việc lần thứ 2 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2014, đến nay vẫn rơi vào im lặng (Ảnh: T.K)
Đến tháng 7/2014, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn số 5024/VPCP-V1 gửi Bộ Công an, UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả, trả lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, nhưng đến hôm nay UBND TP Hà Nội vẫn không có hồi âm giải quyết gì tới người liên quan.
Theo bà Mai Thị Khánh, từ cuối năm 2014, bà và nhiều cổ đông đã được Cục Cảnh sát kinh tế (C46)- Bộ Công an mời tới làm việc nhiều lần nhưng đến nay chưa rõ kết quả điều tra thế nào.
“Đến hôm nay, gia đình tôi và rất nhiều người lao động đang ở trong tình trạng tay trắng, cuộc sống khốn đốn, phải đi thuê nhà ở. Tài sản mà chúng tôi tích cóp, có được cả đời đã dồn hết vào việc mua cổ phần ở công ty nhưng đã bị người ta chiếm đoạt bất hợp pháp. Chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới sự việc này và lần thứ 3 có chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ sự việc, để xem những ai đã chiếm đoạt cổ phần, mua bán bất hợp pháp cổ phiếu của người lao động ở Công ty cổ phần Hữu Nghị”- bà Khánh khẩn thiết đề nghị.
Đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng
Trao đổi với PV Dân trí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho biết, ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ sự việc nên mới có ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết thỏa đáng.
“Tôi gửi nhiều lần nhưng đều không nhận được hồi âm nào của TP Hà Nội nên tiếp tục gửi văn bản, hồ sơ tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần chỉ đạo TP Hà Nội, Bộ Công an giải quyết, trả lời tôi nhưng đến nay tôi chưa nhận được văn bản phúc đáp giải quyết nào nên không rõ họ đã giải quyết như thế nào”- ông Vân nói.
Nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc, ông Lê Thanh Vân (vốn là một chuyên gia pháp luật) cho rằng những căn cứ để ràng buộc trách nhiệm không rõ và cách xử lý tịch thu con dấu, giữ tài sản của TP Hà Nội trước đây đã đẩy doanh nghiệp này vào thế khốn đốn suốt thời gian dài.
Từ việc khởi tố vụ án hình sự chiếm giữ con dấu gặp phải phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, giới luật sư lúc đó đã kéo theo hàng loạt sự việc khác, làm cho hoạt động bình thường của HĐQT Công ty cổ phần Hữu Nghị bị đảo lộn hoàn toàn, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng hỗn loạn về quản lý, thay đổi chủ sở hữu bằng hoạt động mua bán cổ phiếu thiếu minh bạch.
“Tôi cho rằng nếu giải quyết triệt để vụ việc lùm xùm ở Công ty cổ phần Hữu Nghị sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, sẽ nhận ra sai lầm trong điều hành hành quản lý, đặc biệt công tác điều tra, truy tố, xét xử, rút ra được nhiều bài học trong việc xử lý các vấn đề điều hành, giải quyết kinh doanh của doanh nghiệp”- ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân hy vọng tới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ lần thứ 3 chỉ đạo xem xét giải quyết vụ việc, truy rõ sự im lặng "lạ lùng" của các cơ quan chức năng liên quan.
Thế Kha