1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ Cà Mau được tặng xe Lexus: “Nếu tham mưu sai tôi xin chịu trách nhiệm”

(Dân trí) - “Việc cho Công ty Công Lý tạm ứng tiền và tiếp nhận 2 xe ô tô từ công ty tặng, nếu tham mưu sai, với tư cách Giám đốc Sở Tài chính, tôi xin chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch tỉnh và pháp luật”, ông Đoàn Quốc Khởi - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau khẳng định với PV Dân trí.


Ông Đoàn Quốc Khởi- Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau - khẳng định: Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tham mưu sai cho UBND tỉnh về việc cho công ty tạm ứng tiền và tiếp nhận xe tặng.

Ông Đoàn Quốc Khởi- Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau - khẳng định: "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tham mưu sai cho UBND tỉnh về việc cho công ty tạm ứng tiền và tiếp nhận xe tặng".

Cho công ty tạm ứng tiền là không sai

Ngày 23/2, làm việc trực tiếp với PV Dân trí, ông Đoàn Quốc Khởi - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau - nhấn mạnh, việc cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) tạm ứng tiền là đúng.

Ông Khởi cho biết, khoảng đầu năm 2016, do việc hoạt động của Nhà máy xử lý rác phải bù lỗ, đơn vị quản lý là Công ty Công Lý có văn bản đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xin chuyển chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, tỉnh vẫn chưa tìm được đơn vị nào. Do đó, tỉnh có động viên Công ty Công Lý tiếp tục duy trì hoạt động xử lý rác cho tỉnh. Đến cuối năm 2016, Công ty Công Lý có văn bản xin tạm ứng 30 tỷ đồng để sửa chữa thiết bị máy móc nhằm duy trì hoạt động việc xử lý rác.

Sau khi có văn bản của Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thành lập Tổ khảo sát thực trạng nhà máy. Hiện nay, nhà máy xử lý 145 tấn rác/ngày, tương đương mỗi tháng hơn 4.380 tấn, với tổng chi phí là trên 1,5 tỷ đồng. Giá rác hỗ trợ cho Công ty Công Lý hiện là 350.000 đồng/tấn và mức hỗ trợ này doanh nghiệp phải bù lỗ (mức hỗ trợ theo kết quả thẩm định của Sở Tài chính là 460.000 đồng/tấn, thì doanh nghiệp mới cân đối thu chi) nên có nguy cơ đóng cửa.

“Sau khi khảo sát, cùng với các Sở, ngành có liên quan, Sở Tài chính đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Công Lý ứng trước 25 tỷ đồng. Hình thức hoàn trả tạm ứng là trừ 50% chi phí xử lý rác thải hàng tháng mà ngân sách Nhà nước phải chi trả cho công ty”, ông Khởi nói.


Hoạt động có nguy cơ đóng cửa, Nhà máy xử lý rác Cà Mau phải xin tạm ứng tiền để sửa chữa máy móc thiết bị nhằm duy trì hoạt động. (Ảnh: CTV)

Hoạt động có nguy cơ đóng cửa, Nhà máy xử lý rác Cà Mau phải xin tạm ứng tiền để sửa chữa máy móc thiết bị nhằm duy trì hoạt động. (Ảnh: CTV)

Theo ông Khởi, việc cho tạm ứng nguồn kinh phí này chưa có quy định cụ thể tại văn bản nào, nhưng pháp luật cũng không cấm việc này. Ngoài ra, việc điều hành ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương. “Qua cân đối ngân sách, tỉnh chỉ có thể cho công ty ứng trước 25/30 tỷ đồng mà công ty xin tạm ứng”, ông Khởi cho hay.

“Chúng tôi tham mưu dựa trên một số yếu tố quy định của Luật Ngân sách và việc này có chứng từ lưu trữ. Nếu chúng tôi tham mưu để Chủ tịch tỉnh quyết định tăng nhiệm vụ chi mới ngân sách thì sai, còn ở đây chỉ cho doanh nghiệp tạm ứng trước, để rồi sau đó sẽ thu lại dần, ngân sách không mất đi thì không có gì sai”, ông Khởi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khởi, hiện cơ quan kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán toàn bộ thu chi ngân sách của tỉnh, trong đó có cả tiền cho tạm ứng như nói trên, nên việc này là rất rõ ràng. “Nếu tham mưu sai, tôi xin chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch tỉnh và pháp luật”, ông Khởi quả quyết.

Cũng theo ông Khởi, vào năm 2012, tỉnh Cà Mau cũng từng cho Công ty Công Lý tạm ứng 20 tỷ đồng để mua xe vận chuyển rác từ các địa phương về xử lý. Trong việc này, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho tạm ứng và chỉ đạo trừ lại 50% chi phí xử lý rác thải hàng tháng. “Cho đến nay, chúng tôi đã thu lại số tiền tạm ứng dứt điểm vào ngày 31/1/2016”, ông Khởi nói.

Ông Khởi cũng cho biết, không chỉ Công ty Công Lý, mà tỉnh cũng từng cho một công ty khác tạm ứng tiền để giải quyết những việc cần thiết cho hoạt động kinh doanh, nên nói tỉnh “ưu ái” cho Công ty Công Lý là không có cơ sở.

Việc tặng và tiếp nhận xe là đúng quy định

Liên quan đến việc tiếp nhận 2 xe ô tô Lexus trị giá hơn 6 tỷ đồng mà Công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau, ông Đoàn Quốc Khởi cho biết, Sở Tài chính cũng là đơn vị tham mưu vấn đề này.

Theo ông Khởi, căn cứ vào Điểm đ, Khoản 8, Điều 5 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP quy định: “Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản này thì chuyển giao cho chính quyền địa phương, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản”. Có nghĩa là, ngoài các tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh,… thì các tài sản khác (bao gồm xe ô tô) mà tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì tham mưu đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định tại Điều 6, Điểm đ, Khoản 5, Điều 8 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.

“Do đó, sau khi Công ty Công Lý có ý định tặng 2 xe ô tô cho tỉnh Cà Mau, Sở Tài chính đã tham mưu theo đúng quy định. 2 chiếc xe này không phải dành cho riêng một cá nhân nào mà là dùng chung cho những công việc khẩn cấp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh”, ông Khởi nói.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho rằng, việc tặng và tiếp nhận xe ô tô của Công ty Công Lý tặng là đúng quy định.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho rằng, việc tặng và tiếp nhận xe ô tô của Công ty Công Lý tặng là đúng quy định.

Ông Khởi cũng lập luận, đối chiếu theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức quy định “Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác”, thì tỉnh Cà Mau không thuộc đối tượng bị nghiêm cấm nhận 2 xe ô tô mà Công ty Công Lý tặng cho tỉnh.

“Việc tặng 2 xe ô tô cho tỉnh Cà Mau không liên quan đến hoạt động công vụ, không ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề có liên quan thuộc phạm vi quản lý của phương”, ông Khởi khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, đến nay không phải chỉ có Công ty Công Lý tặng xe cho tỉnh Cà Mau, mà vào tháng 9/2016, cũng đã có đơn vị doanh nghiệp tặng 1 xe cứu thương cho Bệnh viện Công an tỉnh.

Ông Khởi cũng cho rằng, việc xe ô tô mà doanh nghiệp tặng là do doanh nghiệp quyết định loại xe, chủng loại, giá trị, chứ tỉnh Cà Mau không có quyền lựa chọn. “Chúng tôi xác định rằng, việc tặng và tiếp nhận tài sản này là đúng quy định”, ông Khởi nhấn mạnh.

PV Dân trí cũng đặt vấn đề, đầu năm 2016, Công ty Công Lý tặng cho tỉnh 2 xe ô tô, và đến cuối năm 2016 thì xin tạm ứng tiền và được tỉnh đồng ý, vậy có hay không sự “ưu ái” của tỉnh Cà Mau dành cho công ty này? Ông Khởi nói: “Giữa việc tặng xe ô tô và cho tạm ứng tiền là 2 vấn đề khác nhau. Và quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là tạo mọi điều kiện và sự công bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Huỳnh Hải – Tuấn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm