1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ Cà Mau bị Bộ Nông nghiệp “tuýt còi”: Đề nghị báo cáo Thủ tướng

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Liên quan đến vụ Cà Mau sắp xếp chuyển một số chức năng, nhiệm vụ từ ngành Nông nghiệp sang ngành Y tế, ngày 25/9, theo nguồn tin của PV Dân trí, Bộ NN&PTNT vừa tiếp tục có ý kiến.

Văn bản của Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 6/1, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 22/QĐ UBND (Quyết định 22) về việc tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế), trong đó có tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT).

Theo Bộ NN&PTNT, việc sắp xếp, tổ chức này không phù hợp với Luật An toàn thực phẩm; gây khó khăn cho ngành NN&PTNT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong tình hình mới với nhiều thách thức.

Ngày 20/8, UBND tỉnh Cà Mau có công văn số 5020/UBND-NC về việc thực hiện Quyết định 22.

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, đồng thời nhấn mạnh điểm d, Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết 56/2017/QH14 quy định “… không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại…”.

Theo Bộ NN&PTNT, Nghị quyết số 18 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển”. Việc tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Cà Mau không đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ trong cả nước khi giao chức năng nhiệm vụ của Sở NN&PTNT cho một đơn vị thuộc Sở Y tế.

Cà Mau cho rằng, từ khi thành lập và hoạt động cho đến trước khi giải thể, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) chỉ thực hiện được khâu quản lý công đoạn ban đầu, sản xuất nhỏ lẻ liên quan đến gia súc, gia cầm và một số mặt hàng rau, củ, quả.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, trong thực tế Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Cà Mau đã triển khai cơ bản đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ được phân công quản lý toàn bộ chuỗi chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

UBND tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, Nghị định số 158/2018/NĐ-CP không quy định phải tham vấn cơ quan Trung ương khi quyết định các vấn đề về tổ chức lại tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Nhưng theo Bộ NN&PTNT, Cà Mau tổ chức lại các cơ quan trong Sở NN&PTNT, tuy nhiên, lại điều chuyển nhiệm vụ của ngành NN&PTNT sang ngành Y tế không phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Các văn bản hướng dẫn Luật, UBND cần xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và xin ý kiến của Chính phủ trước khi thực hiện.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp có ý kiến về tính hợp pháp, phù hợp của việc chuyển chức năng quản lý Nhà nước của ngành NN&PTNT tại địa phương sang ngành Y tế.

Đồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc nêu trên, đảm bảo thống nhất trong cả nước.

Vụ Cà Mau bị Bộ Nông nghiệp “tuýt còi”: Đề nghị báo cáo Thủ tướng - 1

UBND tỉnh Cà Mau sắp xếp lại chi cục của ngành Nông nghiệp, trong đó chuyển một số chức năng, nhiệm vụ sang ngành Y tế, nhưng Bộ Nông nghiệp không đồng tình.

Như Dân trí đã đưa tin, trước đó, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 22 (ngày 6/1/2019) chuyển một số chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế).

Tuy nhiên, quyết định trên bị Bộ NN&PTNT “tuýt còi”, đề nghị UBND tỉnh Cà Mau dừng thực hiện Quyết định 22, gửi phản hồi về Bộ NN&PTNT.

Theo Bộ NN&PTNT, việc tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của UBND tỉnh Cà Mau đi ngược lại xu hướng phân công quản lý của Luật An toàn thực phẩm, quy định của Chính phủ, liên Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ, không những không giảm đầu mối quản lý mà còn phân tách, chia nhỏ đối tượng quản lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm