1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ cá chết trên sông Bưởi: Cần khởi tố vụ án hình sự?

(Dân trí) - Nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm nghiêm trọng, thiệt hại của người dân nuôi cá lồng trên sông đã thấy rõ. Thời điểm này, điều người dân quan tâm là việc bồi thường thiệt hại và những cơ sở pháp lý để người dân yên tâm chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân bên dòng sông đổi màu, cá chết

Để có sự đánh giá khách quan trên cơ sở pháp lý về vụ việc này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Gia, có trụ sở tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.

ba-kha-nang-co-the-xay-ra-trong-vu-4-nguoi-chet-tai-thanh-hoa-1462961578785

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Gia

Phóng viên: Liên quan đến vụ việc ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt thời gian gần đây, thời điểm này, nhà máy của Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình đã đứng ra nhận lỗi về việc xả chất thải chưa qua xử lý xuống sông Bưởi, ông đánh giá thế nào về việc này?

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh: Xét trên phương diện của luật sư thì phải hoan nghênh việc làm đó của công ty. Bởi vì chúng ta xây dựng chính sách pháp luật là khuyến khích các cá nhân, tổ chức khi có sai phạm là phải tự đứng ra để nhận, tự giác trong việc nhận trách nhiệm về hành vi sai phạm khi chưa có cơ quan điều tra vào cuộc.

Chưa thể vội quy kết rằng cá chết ở trên sông Bưởi là nguyên nhân do nhà máy này được. Cần phải có kết quả xét nghiệm, giám định và kết quả điều tra. Trên phương diện pháp lý không khó để đánh giá, lấy mẫu xả thải của nhà máy, lấy mẫu nước trên sông. Nên tại thời điểm này, đứng trên phương diện pháp lý thì ta chưa thể khẳng định 100% là nguyên nhân cá chết hàng loạt là do nhà máy. Và ngược lại, chúng ta cũng không thể kết luận rằng, nhà máy này không có liên quan đến việc cá chết hàng loạt. Nên dư luận cũng phải hết sức công tâm để chờ việc cơ quan điều tra vào cuộc để có được những kết luận.

Ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt
Ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt

Đấy là góc độ pháp lý, còn dưới góc độ người dân, thì cần sự vào cuộc một cách quyết liệt, khẩn trương của cơ quan chức năng. Người dân trông chờ: Thứ nhất là điều tra tìm nguyên nhân kịp thời để có biện pháp khắc phục, để không lây lan rộng và không gây những hậu quả về sức khỏe, môi trường và đặc biệt là môi trường kinh doanh; Thứ hai là phải có các biện pháp phòng ngừa, để làm sao người dân chủ động được trong các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, và cũng chủ động lựa chọn được những sản phẩm từ sông nước để sử dụng an toàn, đưa ra cho người ta biện pháp chủ động để nhận diện được các sản phẩm, không đẩy ngư dân, đẩy hộ kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh hải sản rơi vào cảnh phá sản; Thứ ba là công tác tuyên truyền phải đúng, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến vụ việc.

Trên cơ sở pháp lý, ông có tư vấn như thế nào đối với người dân - người trực tiếp nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản trên khu vực xảy ra ô nhiễm môi trường bị thiệt hại?

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh: Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận thiệt hại của người dân là thực tế. Người dân phải biết cách để tổng hợp báo cáo thiệt hại một cách đầy đủ, chính xác đến chính quyền sở tại. Vì đây là một trong những chứng cứ hết sức quan trọng khi sau này xác định được ai là người gây ra thiệt hại này để quy trách nhiệm bồi thường. Thậm chí cần phải ghi hình ảnh, quay clip, cân đo, đong đếm cụ thể thiệt hại, phân loại cá… để làm cơ sở xác định thiệt hại sau này.

Vấn đề thứ hai là người dân tạm thời không nên tiếp tục đầu tư nuôi trồng thủy sản cho đến trước khi cơ quan có thẩm quyền xác định và có biện pháp khắc phục nguồn nước này đã hết độc hại.

Người dân bị thiệt hại mong chờ được bồi thường
Người dân bị thiệt hại mong chờ được bồi thường

Về quy định pháp luật, khi có thiệt hại và thiệt hại này không phải lỗi của người dân mà xuất phát độc hại từ nguồn nước thì cá nhân, tổ chức nào gây nên thiệt hại thì cá nhân, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự. Ngoài ra, để hậu quả xảy ra nghiêm trọng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Người dân cũng phải bình tĩnh để chờ kết quả điều tra.

Còn ở Việt Nam thì các Bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT họ sẽ phối hợp cùng với các ban ngành liên quan sẽ có chính sách hỗ trợ, ngay cả khi không xác định được ai là người gây ra ô nhiễm nguồn nước, thì nhà nước mình cũng có chính sách hỗ trợ ngư dân. Cái này là chính sách nhân đạo chung của nhà nước ta, liên quan đến lũ lụt, hạn hán… Nên công tác tổng hợp, báo cáo thiệt hại kịp thời và phải có xác nhận của chính quyền địa phương, đó là chứng cứ trước tòa sau này, để cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chính quyền phải có trách nhiệm kiểm tra thực tế và xác nhận. Nếu như nó kéo dài dẫn đến mất nghề nghiệp thì mình có kiến nghị đến cơ quan chủ quản liên quan đến ngành nghề có thể chuyển đổi nghề nghiệp, cái này cũng có chính sách của nhà nước trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong trường hợp này thì cơ quan Công an có phải khởi tố vụ án để điều tra, truy tìm thủ phạm?

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh: Đương nhiên là phải khởi tố vụ án hình sự. Bởi vì đây là nghiêm trọng rồi, có thể nói là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Pháp luật hình sự Việt Nam cũng giống như pháp luật hình sự các nước trên thế giới là không dựa vào duy nhất lời nhận tội để kết tội. Bởi vì đã có rất nhiều trường hợp nhận tội nhưng kết tội vẫn oan. Mức độ ô nhiễm đến đâu phải chờ kết luận giám định, mẫu nước xả thải, mẫu nước trên sông, lúc đó mới kết luận. Cái này đòi hỏi cơ quan điều tra phải vào cuộc và xác định thật sớm để đảm bảo cả tính mạng, sức khỏe, kinh tế của người dân; đảm bảo môi trường tự nhiên, môi trường kinh doanh. Chúng ta trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra và các cơ quan chuyên môn.

Nếu có đủ căn cứ thì trong trường hợp này sẽ phải khởi tố bị can và khởi tố cả pháp nhân. Đến ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, pháp nhân trong trường hợp này vẫn bị khởi tố bình thường. Tuy nhiên trong trường hợp này mình chưa nên đặt giả thiết, khi có kết quả điều tra và xác định đúng nhà máy đó thì đương nhiên là nhà máy đó phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu nhà máy còn phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này.

Trong thời điểm này, khi chưa xác định được cụ thể đơn vị, cá nhân nào gây ra hậu quả trên, thì người dân có thể khởi kiện?

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh: Chưa thể khởi kiện được, bởi vì chưa xác định được chủ thể nào là chủ thể bị kiện. Ngay cả khi không xác định được người gây thiệt hại thì trong trường hợp này phải áp dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân như trường hợp thiên tai, nên người dân yên tâm. Nên lúc này cần sự vào cuộc nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Mặc dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng nhưng ngày 11/5, lãnh đạo nhà máy đường, thuộc Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình đã làm việc với UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để thống nhất phương án đền bù cho những hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi.

Hai bên thống nhất, nhà máy đường Hòa Bình sẽ đền bù lượng cá lồng chết trên sông Bưởi cho người dân với mức giá 80.000đ/1kg. Cụ thể, có 34 hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thành thiệt hại hơn 17 tấn cá lồng do nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm, sẽ được bồi thường số tiền là hơn 1,4 tỷ đồng.

Theo cam kết của đại diện nhà máy đường Hòa Bình, chậm nhất ngày 18/5, việc chi trả tiền đền bù sẽ được đưa đến tận tay người dân.

Duy Tuyên (thực hiện)