1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Vụ bé mầm non tử vong tại Thái Bình: Camera trên xe có ngăn được bi kịch?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khi các lớp bảo vệ trong quy trình đưa đón học sinh lần lượt bị "xuyên thủng", camera giám sát bên trong xe có thể là một "cứu tinh"?

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình trạng phương tiện và người lái trong vụ việc em bé ở Thái Bình bị bỏ quên dẫn đến tử vong trên xe đưa đón.

Đến nay, việc trên chiếc xe hợp đồng biển số 17F-000.91 (xe có cháu T.G.H, học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung 2 bị bỏ quên) có gắn camera hay không vẫn chưa được làm rõ. Nếu camera có hoạt động, dù không thể cứu được mạng người, dữ liệu được ghi lại cũng có thể giúp cơ quan điều tra biết được tài xế đã thao tác như thế nào khi trả khách, tắt máy và rời khỏi xe.

Xin phù hiệu ở Hà Nội, hoạt động ở Thái Bình

Theo xác minh của Cục Đường bộ, chiếc xe chở cháu bé xấu số do tài xế Nguyễn Văn Lâm (sinh 1965, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình) điều khiển. Giấy phép lái xe còn hạn đến ngày 10/3/2027.

Vụ bé mầm non tử vong tại Thái Bình: Camera trên xe có ngăn được bi kịch? - 1

Xe mang biển số 17F-000.91; còn hạn đăng kiểm đến 19/8/2024. Chiếc xe thuộc HTX vận tải Hồng Hà, do Sở GTVT Hà Nội quản lý cấp phù hiệu "Xe hợp đồng".

Theo báo cáo trên, một vấn đề cần làm rõ là vì sao chiếc xe hợp đồng này hoạt động đưa đón học sinh tại Thái Bình nhưng lại được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải ở Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng Vận tải (Cục Đường bộ) cho biết theo Nghị định 10/2020, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Như vậy, nếu hoạt động liên tục tại Thái Bình trong thời gian dài, chủ xe trong vụ việc đang vi phạm Nghị định 10/2020.

Camera giám sát có tác dụng gì?

Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải đã nêu rõ ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Nghị định 12/2020 cũng yêu cầu người lái trước khi cho xe khởi hành phải kiểm tra, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe phải hoạt động tốt.

Vụ bé mầm non tử vong tại Thái Bình: Camera trên xe có ngăn được bi kịch? - 2

Quy định bắt buộc có camera giám sát bên trong xe đưa đón học sinh đang được áp dụng tại nhiều bang ở nước ngoài (Ảnh: Pheonix System).

Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ tối thiểu 72 giờ gần nhất.

Về trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận, giám sát dữ liệu này, Thông tư 12/2020 đã quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm bố trí cán bộ theo dõi, khai thác dữ liệu hình ảnh từ camera gắn trên xe để quản lý, điều hành, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm. Các Sở GTVT cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, khai thác dữ liệu camera để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tới đây, người ta có thể đặt giả thuyết: Nếu hệ thống camera trong xe hoạt động tốt và có nhân sự theo dõi trực tuyến, có cơ may nào để phát hiện ra một cháu bé bị bỏ quên trên xe hay không?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết hiện dữ liệu camera trong xe kinh doanh vận tải chỉ được truyền và lưu ở doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Khi cần thiết, cơ quan quản lý mới đề nghị trích xuất.

Bên cạnh đó, giải thuyết trên còn phụ thuộc vào việc chiếc xe 17F-000.91 có thực sự được gắn camera giám sát hay không, và thời điểm tắt camera là khi nào.

Theo quy định, camera chỉ buộc phải bật "trong quá trình xe tham gia giao thông". Dữ liệu hình ảnh camera lắp trên xe chỉ phải truyền liên tục về đơn vị kinh doanh vận tải trong "khi xe chạy". Như vậy, không loại trừ khả năng camera gắn trên xe sẽ bị tắt đi khi hoạt động chuyên chở kết thúc và tài xế rời khỏi xe.

Chiều 31/5, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm (59 tuổi, lái xe đưa đón học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại tổ 1, phường Quang Trung về tội Vô ý làm chết người quy định.

Khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Phương (58 tuổi, giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân và Đoàn Thị Nhâm (26 tuổi, giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại tổ 4, phường Trần Lãm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, trưa 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình cũng ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với nhân viên đưa đón học sinh từ nhà đến trường.

Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, để điều tra việc một trẻ mầm non đang theo học tại trường Mầm non Hồng Nhung 2, bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong.

Công an xác định 6h20 ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Lâm (59 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình) điều khiển ô tô 29 chỗ cùng một giáo viên Trường mầm non Hồng Nhung 2 đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.

Khi đến trường, ông Lâm mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, tài xế điều khiển ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.

Khi vào lớp, giáo viên lớp chụp ảnh điểm danh học sinh phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình.

Đến khoảng 17h cùng ngày, anh T.Đ.A., cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường. Hậu quả, cháu bé tử vong.