1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ bé Bích không gọi được 113: Sẽ rà soát tổng đài khẩn cấp

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trần Đức Lai cho biết thanh tra sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại hệ thống kết nối của các nhà mạng đến tổng đài khẩn cấp. Luật Viễn thông đã quy định số điện thoại khẩn cấp là miễn phí và phải luôn thông suốt.

Sau bài viết "Xung quanh việc cháu Bích không thể gọi được 113", có rất nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi đến Dân trí phản ánh vấn đề này. Trong khi không ít bạn đọc cho biết hoàn toàn có thể gọi đến các số điện thoại khẩn như 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu)… mà không cần bấm mã địa phương, lại có một số không nhỏ bạn đọc khác phản ánh: việc gọi điện đến các số máy khẩn cấp rất rắc rối và khó thực hiện.

Như độc giả tại địa chỉ tranthutlai@gmail.com phản ánh: “Em đã từng bị tai nạn ở Phủ Lý, gọi 113 cũng có được đâu... Hướng dẫn mã vùng, chuyển cuộc gọi, đến nhiều người...

Bạn đọc tại địa chỉ trandac2004@yahoo.com thì thông tin: Đã từng gọi 113 Nghệ An, nhưng không có ai nhấc máy. Bạn đọc tại Bình Dương cũng khẳng định, đã có lúc gọi thẳng tới 113 nhưng không được, máy báo kết thúc cuộc gọi. Nhưng gọi 0650 113 thì cuộc gọi lại thành công…

Trong khi đó, đại diện của 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều khẳng định: Tất cả các cuộc gọi đến số máy khẩn cấp đều không cần sử dụng mã vùng (trừ trường hợp từ địa phương này gọi ứng cứu ở địa phương khác, sẽ phải bấm mã địa phương đó).

Về vấn đề này, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cho biết, từ trước tới nay tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều phải thực hiện quy định bảo đảm có hệ thống đường truyền riêng biệt đến các tổng đài khẩn cấp. Luật Viễn thông cũng đã quy định rõ số điện thoại khẩn cấp là miễn phí và phải luôn thông suốt.

“Thanh tra Bộ vẫn có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ quy định của các nhà mạng trong việc kết nối đến hệ thống tổng đài khẩn cấp. Ngay trong thời gian sớm nhất, cán bộ  kỹ thuật của Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại quá trình hoạt động của hệ thống tổng đài này” - ông Lai nói.

Đối với những trục trặc của người dân trong quá trình thao tác gọi đến các tổng đài khẩn cấp, ông Lai bày tỏ băn khoăn, ngoài trường hợp nghẽn mạng, khó kết nối, nhưng trong trường hợp mạng lưới thông suốt mà không có tín hiệu trả lời từ người trực tổng đài lại là chuyện khác.

Trước ý kiến cho rằng nên lập một số điện thoại gọi khẩn cấp trên điện thoại di động (như 112 hiện có trên điện thoại di động ở nước ngoài, không cần mở khóa máy, không cần sim vẫn gọi được), sau đó tổng đài chung tự phân loại cuộc gọi, ông  Lai cho biết sẽ xem xét nghiên cứu ý tưởng lập một số điện thoại khẩn cấp quốc gia và duy nhất cho mọi trường hợp (công an, cứu hỏa, cứu thương…). Với số duy nhất, kết hợp với việc phổ biến sâu rộng sẽ hiệu quả và thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Lai, để làm được việc này cũng rất phức tạp vì phải bổ sung bộ máy nhân sự, tốn thêm kinh phí và việc kết nối với các lực lượng chức năng để xử lý từng vụ việc cụ thể cần có điều chỉnh tổng thể để đạt được hiệu quả.

Vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng Phòng Kinh doanh mạng di động Vinaphone, cho hay, về mặt kỹ thuật, việc thiết lập một số điện thoại khẩn cấp quốc gia đối với các nhà mạng là rất dễ dàng. Tuy nhiên, cái khó hơn là chuyện phân công, thiết kế bộ máy trực ở mỗi địa phương để có thể đáp ứng yêu cầu khi có tin báo về sự cố khẩn cấp. 

Trong thời điểm hiện tại, theo hướng dẫn của Phòng Kinh doanh Vinaphone, ngoài lỗi kỹ thuật (thay đổi số cốt mã hóa tự động bằng số điện thoại khác nhưng không khai báo cho nhà mạng) dẫn đến không liên hệ được thì trong tình trạng bình thường, người dân vẫn có thể liên hệ được với các tổng đài  khẩn cấp.

Cùng đó, các số di động còn hạn sử dụng (chưa bị khóa 2 chiều) vẫn có thể gọi tới các số khẩn cấp mà không cần phải có tiền trong tài khoản.

 P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm