Xung quanh việc cháu Bích không thể gọi được 113
(Dân trí) - Trong vụ thảm sát tại Bắc Giang, một chi tiết khiến nhiều người quan tâm là trước thời điểm bé Trịnh Ngọc Bích bị chặt đứt lìa bàn tay, bé đã cố tìm cách bấm gọi bằng di động đến số điện thoại khẩn cấp 113 nhưng không thành công.
Trao đổi vấn đề này với PV Dân trí, bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông của mạng di động VinaPhone khẳng định, đối với số điện thoại khẩn cấp như: 113 (cảnh sát), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu)… khách hàng sử dụng dịch vụ di động ở bất kỳ địa phương nào cũng chỉ cần bấm nguyên số đó mà không cần mã vùng, cuộc gọi cũng sẽ kết nối thành công đến tổng đài. Với máy để bàn thì thao tác cũng tương tự, người gọi chỉ cần bấm số khẩn cấp định gọi là được.
“Từ hôm qua đến nay, cán bộ kỹ thuật của chùng tôi tại Bắc Giang đã tiến hành thử nghiệm gọi bằng điện thoại di động đến 113 và đều kết nối thành công” - bà Hồng cho biết.
Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước và thị trường mạng di động MobiFone cũng khẳng định: Tất cả các cuộc gọi ở địa phương đến các đầu số khẩn cấp đều không cần mã vùng.
“Tuy nhiên, nếu người gọi điện thoại đang ở Hà Nội gọi đến tổng đài khẩn cấp của Bắc Giang thì phải bấm mã vùng. Lúc đó, tổng đài sẽ phân loại mã vùng rồi tự chuyển về khu vực đó. Vấn đề là tại thời điểm đó, ở đầu tổng đài mỗi khu vực có nhân viên trực để xử lý cuộc gọi đến hay không” - ông Hưng nói rõ.
Ông Hưng cũng khẳng định, phòng kỹ thuật của mạng này tại Bắc Giang vừa tiến hành cuộc gọi khẩn cấp đến 113, 115 ngay tại phố Sàn - khu vực xảy ra vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích; kết quả các cuộc gọi vẫn thông suốt, tổng đài có người nhận cuộc gọi.
“Trong vụ việc vừa diễn ra tại Bắc Giang, cần kiểm tra lại xem bé Bích đã bấm gọi 113 chính xác chưa. Vấn đề kiểm tra lại rất đơn giản bởi số máy gọi đi chắc vẫn còn lưu lại trên máy di động. Trong trường hợp máy không còn lưu số nhưng cuộc gọi đã qua tổng đài của mạng di động thì vẫn có thể kiểm tra lại ngày, giờ thực hiện cuộc gọi đó” - bà Hồng nói thêm.
Trước ý kiến cho rằng Việt Nam nên lập một số điện thoại gọi khẩn cấp trên điện thoại di động (như 112 hiện có trên điện thoại di động ở nước ngoài, không cần mở khóa máy, không cần sim vẫn gọi được), sau đó tổng đài chung 112 tự phân loại cuộc gọi này để báo cảnh sát, để báo chữa cháy hay cấp cứu, nhằm thuận tiện hơn cho khách hàng, đồng thời giảm thiểu các thiệt hại, hậu quả có thể xảy ra; đại diện Vụ Viễn thông - Bộ Thông tin Truyền thông khẳng định, các mã số khẩn cấp luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác đảm bảo an ninh đời sống của người dân; do đó ở các địa phương đều có riêng tổng đài trực của ngành công an, cứu hỏa, y tế… Mọi cuộc gọi đến từ các mạng di động hay cố định đều có thể thực hiện được chỉ bằng thao tác khá đơn giản là bấm trực tiếp mã số khẩn cấp cần thiết.
P .Thanh