Vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bạch Mai có tác dụng răn đe
(Dân trí) - Báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, các vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bạch Mai... có tác dụng răn đe. Hai gói thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội, bước đầu xác định gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.
Chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Về công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo được Chính phủ gửi Quốc hội trước đó nêu rõ các vụ án được xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Trong đó, các vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La… có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực. Cơ quan điều tra bước đầu xác định 2 gói thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng "bảo kê", bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu. Cụ thể, qua vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai đã khởi tố Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Vụ án sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội, cơ quan điều tra đã khởi tố Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội và 4 đối tượng là cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, Chính phủ đánh giá, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát lớn tài sản; các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Cơ quan thẩm tra dẫn chứng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh; Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty thoát nước Hà Nội trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C…
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý việc quản lý các đối tượng tâm thần đang chữa bệnh bắt buộc tại một số cơ sở y tế còn có sơ hở, để đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật. Đáng chú ý có cả trường hợp người đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc tổ chức sử dụng, mua, bán ma túy ngay tại cơ sở chữa bệnh và có sự tiếp tay của nhân viên y tế .
"Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này", báo cáo thẩm tra nêu rõ.