1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ án hy hữu: Tòa tự xử mình thua kiện

TAND TP Hải Phòng vừa mở phiên tòa phúc thẩm dân sự hy hữu mà trong đó bị đơn lại là chính... mình. Nguyên đơn của vụ kiện, ông Nguyễn Hồng Cầu (SN 1964, trú xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng) đã khởi kiện đòi bồi thường hơn 600 triệu đồng.

Nội dung vụ kiện bắt nguồn từ năm 1994, ông Nguyễn Hồng Cầu được UBND huyện Tiên Lãng giao quyền sử dụng 3.040m2 đất để canh tác nông nghiệp với thời hạn 20 năm. Năm 1996, ông Cầu nợ đọng sản phẩm 97 kg thóc (gồm thóc thủy lợi phí, thóc dịch vụ nông nghiệp và thóc thổ cư nông nghiệp dư thừa).

Cho rằng UBND xã Đông Hưng chưa giải quyết xong vụ cá ăn lúa của gia đình mình (tương đương 240 kg thóc) nên ông Cầu không chịu nộp 97 kg thóc nghĩa vụ. Trong khi thắc mắc này chưa được giải quyết thì ngày 15/1/1997, UBND xã Đông Hưng lại ra quyết định tạm rút 1.080m2 đất tại thửa số 109 của gia đình ông Cầu, giao cho anh Phạm Minh Tuân.

Khi anh Tuân cấy lúa, ông Cầu đến nói với anh Tuân phải trả công đã cày bừa nhưng anh Tuân không thanh toán. Ông Cầu nói nếu không trả tiền thì ông Cầu sẽ gặt lúa. Đến ngày 25/7/1997, trong lúc gia đình ông Cầu gặt lúa (cạnh ruộng lúa nhà anh Tuân) thì chị Nguyễn Thị Hà, em gái anh Tuân ra thăm lúa. Vợ chồng ông Cầu đòi tiền cày bừa không được nên bảo với Hà sẽ gặt lúa để trừ tiền cày bừa ruộng. Ngay chiều hôm ấy, ông Cầu đã gặt lúa của anh Tuân, đem đi tuốt được 261 kg thóc.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20, ngày 30/6/1997, TAND huyện Tiên Lãng đã phạt ông Nguyễn Hồng Cầu 3 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau án sơ thẩm, ông Nguyễn Hồng Cầu kháng cáo kêu oan. Ngày 6/8/1997, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm, giảm cho ông Cầu xuống còn 2 tháng 10 ngày tù, vẫn về tội trộm cắp tài sản.

Nhận thấy bản án phúc thẩm có dấu hiệu oan sai, ngày 8/10/1998, TAND Tối cao đã họp phiên giám đốc thẩm, khẳng định việc tòa án các cấp kết án ông Nguyễn Hồng Cầu về tội trộm cắp tài sản, theo khoản 1, điều 155 - BLHS là không đúng pháp luật.

TAND Tối cao nhận định, hành vi của ông Nguyễn Hồng Cầu tuy có sai phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần giải quyết theo thủ tục dân sự. Bên cạnh đó, việc tòa cấp phúc thẩm giảm án cho ông Nguyễn Hồng Cầu xuống còn 2 tháng 10 ngày tù cũng là không đúng pháp luật vì theo quy định của pháp luật, hình phạt tù tối thiểu là 3 tháng.

Do đó, TAND Tối cao đã ra quyết định hủy Bản án phúc thẩm số 110, ngày 6/8/1997 của TAND TP Hải Phòng và Bản án hình sự sơ thẩm số 20, ngày 30/6/1997 của TAND huyện Tiên Lãng, tuyên bố ông Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội trộm cắp tài sản.

Sau quyết định nêu trên của TAND Tối cao, ông Cầu đã làm đơn khởi kiện dân sự đến TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu TAND TP Hải Phòng phải bồi thường thiệt hại tổng số tiền là 648,6 triệu đồng, đồng thời buộc bị đơn phải công khai xin lỗi ông tại địa phương và đăng lời xin lỗi trên 3 số báo liên tiếp. Sau đó, không đồng ý với án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, ông Cầu tiếp tục làm đơn kháng cáo đến TAND TP.

Trong phiên tòa diễn ra tại TAND TP Hải Phòng sáng 26/8/2008, ông Cầu vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đòi bồi thường với tổng số tiền như trên. Đại diện cho TAND TP tham gia vụ kiện cũng nhất trí với Quyết định số 130/HS-GĐT ngày 8/10/1998 của TAND Tối cao hủy án phúc thẩm, do đó TAND TP phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Cầu.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định, việc bồi thường cho ông Cầu phải dựa trên những quy định hiện hành của pháp luật về bồi thường oan sai, các khoản khác mà ông Cầu đưa ra nhưng ông không chứng minh được hoặc không có căn cứ sẽ không được đáp ứng.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã quyết định, xử giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, buộc TAND TP phải bồi thường thiệt hại cho người bị oan do hoạt động tố tụng gây ra cho ông Nguyễn Hồng Cầu số tiền là 17,3 triệu đồng; đồng thời buộc TAND TP phải xin lỗi cải chính công khai tại địa phương và đăng trên 1 tờ báo Trung ương 3 số liên tiếp.

Theo Đức Hiếu
Báo An ninh Thủ đô