1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bắc Kạn:

Vụ 13 mộ liệt sĩ toàn đất đá: 2 gia đình đào sâu 1m thấy hài cốt

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc hàng chục ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong ở Bắc Kạn được phát hiện không có hài cốt, chỉ toàn đất đá, bước đầu xác định có 2 trường hợp gia đình liệt sĩ tự cất bốc trước thời điểm quy tập, ở độ sâu hơn 1m và đã cất bốc được hài cốt.

Vụ 13 mộ liệt sĩ toàn đất đá: 2 gia đình đào sâu 1m thấy hài cốt - 1

Khu vực đầu tiên quy tập thi hài các thanh niên xung phong hy sinh trong lúc tham gia chống bão lụt vào năm 1968.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 5/12, ông Hà Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho biết rất bất ngờ khi biết được 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong được quy tập từ địa phương, rồi chuyển đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn nhưng không có hài cốt.

“Vào năm 1968, khi các thanh niên xung phong gặp nạn rồi làm lễ khâm niệm, có 1 gia đình đã mang thi thể thân nhân về tự chôn cất. Sau này có 2 trong số 12 ngôi mộ còn lại của các liệt sĩ được được gia đình tự cất bốc ở độ sâu hơn 1m và đã cất bốc được xương cốt” - ông Hưởng cho hay.

Theo phong tục tập quán ở địa phương, ông Hưởng cho biết các ngôi mộ thường được đào sâu khoảng 0,9 - 1,2m. Không có ngôi mộ nào mà người dân chôn nông 0,5 - 0,6m.

Sau khi xảy ra vụ việc hàng chục ngôi mộ liệt sĩ là các thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận) vào năm 1968 chỉ có “túi nilon đựng đất đá”, ông Hưởng cùng thân nhân các liệt sĩ đã quay trở lại khu vực chôn cất ban đầu để kiểm tra.

Hiện tại, sau hơn 50 năm, ở các ngôi mộ “không có hài cốt” là hố sâu 0,2 - 0,3m. Riêng 2 ngôi mộ được gia đình các liệt sĩ tự cất bốc đào sâu hơn khoảng nửa mét. “Có thể thời điểm đào các ngôi mộ còn lại, họ chưa đào đến xương cốt các liệt sĩ” - ông Hưởng nhận định.

Vụ 13 mộ liệt sĩ toàn đất đá: 2 gia đình đào sâu 1m thấy hài cốt - 2

Phần mộ của liệt sĩ Đoàn Thị Nga được gia đình tự cất bốc về an táng tại quê nhà. Đến nay di cốt của nữ thanh niên xung phong này vẫn còn nguyên. Theo thân nhân gia đình, khi cất bốc họ đã đào sâu hơn 1m. 

Ông Tạ Viết Đoàn (cháu liệt sĩ Đoàn Thị Nga - 1 trong những thanh niên xung phong đã hy sinh năm 1968) kể lại, vào năm 1973, gia đình ông đã quy tập hài cốt của dì về nghĩa trang gia đình.

“Người nhà tôi đã đào xuống 0,6 m và thấy ván gỗ. Đào sâu nhất là 1,1 m rồi mở nắp ván, thấy hài cốt của dì tôi vẫn nguyên vẹn, sau đó cất bốc và cho vào ba lô mang về an táng, khói hương từ lúc đó đến bây giờ” - ông Đoàn chia sẻ.

Trước đó, chiều 4/12, Ban Chỉ đạo Người có công tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc họp có nội dung xoay quanh vụ việc 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92 được quy tập, chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn nhưng không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.

Nhiều ý kiến đưa ra tại buổi họp cho rằng, cần kiểm tra lại từ lần quy tập đầu ở hồ Tân Minh vào nghĩa trang cũ, rồi từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới.

Sau khi lắng nghe các đề xuất, trao đổi tại cuộc họp, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kết luận, trước tiên cần tìm thêm nhân chứng là những người trực tiếp chôn cất, quy tập hài cốt và thực hiện việc chuyển mộ.

Đồng thời, các cơ quan chức năng có liên quan cần rà soát, kiểm tra lại các hồ sơ về các đợt quy tâpj hài cốt liệt sĩ trong kho lưu trữ của mình.

Trong trường hợp cần khai quật lại, cần có lực lượng chuyên môn tiến hành công việc này.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, việc làm rõ thông tin liên quan đến hài cốt của 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong là trách nhiệm của thế hệ đi sau.

“Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta phải quyết tâm làm cho rõ, làm hết trách nhiệm của thế hệ sau đối với người có công với đất nước” - ông Hưng nói.

Nguyễn Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm