1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Voi xiếc quật chết người, do bạo hành?

Cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận chính thức, nhưng nhiều người dân quanh khu vực xảy ra tai nạn ở Lào Cai cho rằng voi bị trêu tức. Còn chị Hà “Voi”- “mẹ của Khăm Bun” cho rằng đấy chính là hậu quả của việc voi bị hành hạ kéo dài.

Voi xiếc quật chết người, do bạo hành? - 1

Nơi nhốt con voi gây tai nạn chỉ được ngăn cách bằng hàng rào dây sơ sài. Ảnh: M.Hương.

Tai nạn thương tâm

NSƯT Phạm Văn Xuyên, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam cho biết, con voi gây ra cái chết cho em học sinh Nguyễn Thảo Oanh do LĐX đưa lên Lào Cai phục vụ biểu diễn.
 
Theo chương trình, ngày 16/10 là buổi diễn kết thúc chương trình 10 ngày tại địa phương, nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra. Khoảng 15h ngày 16/10, Thảo Oanh đưa đồ ăn cho voi, bất ngờ bị con vật dùng vòi cuốn lấy và quật mạnh xuống đất, gây tử vong tại chỗ.

“Tôi không có mặt ở đó khi xảy ra sự việc, nên không thể nói gì thêm. Tất cả đều căn cứ vào lời khai của quản tượng, diễn viên biểu diễn với voi. Hiện nay, quản tượng đang bị giữ để làm việc với công an. Tất cả đang chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Phạm Văn Xuyên, Phó giám đốc LĐX nói.

Ông cũng cho biết thêm, voi của liên đoàn được nhốt riêng ở sân Hội trường UBND TP Lào Cai, chân xích vào móc sắt ghim xuống nền bê tông, có dây chăng ranh giới và cắt cử nhân viên bảo vệ. Tuy thế, sợi dây mong manh này không hề gây khó cho trẻ em hay người lớn muốn đến gần voi.

Theo một số người bán hàng quanh khu vực nhốt voi: Con voi xuất hiện ở sân hội trường cả chục ngày rồi. Hàng ngày rất đông người hiếu kỳ kéo đến xem, chui qua hàng rào dây bảo vệ, thậm chí đưa cỏ, ngọn mía cho voi ăn nhưng không sao.

Ngày xảy ra tai nạn, có người lấy củ ráy, ớt cho lẫn vào đồ ăn đưa cho voi. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến voi bất ngờ trở nên hung dữ. Dù LĐX cắt cử nhân viên bảo vệ canh giữ 24/24h, nhưng đúng lúc xảy ra tai nạn lực lượng này không có mặt.

Trường hợp này gợi nhớ tới vụ voi xiếc của đoàn xiếc Sao Mai (tỉnh Hải Dương) quật chết một học sinh khác ở tỉnh Đồng Nai mùa hè năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do voi bị trêu phá, cộng với thời tiết nóng bức dễ trở nên hung dữ.

Khi ấy, bình luận về vụ việc, lãnh đạo của LĐX còn rất tự tin, cho rằng do đoàn xiếc thú địa phương biểu diễn lưu động, không đảm bảo an toàn. Voi ở LĐX luôn được nhốt ở khu vực riêng, cấm người lạ.

Vụ việc voi quật chết học sinh ở Lào Cai thêm một lần đưa ra lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biểu diễn xiếc thú. Thực tế, trên thế giới rất nhiều nước hạn chế, cấm nuôi dưỡng, giam giữ, đào tạo động vật hoang dã phục vụ cho biểu diễn xiếc thú như nước Anh, Pháp, Áo, Bỉ, Trung Quốc, Singapore.

Ở Việt Nam, không ít người cho rằng nên bỏ dần biểu diễn xiếc thú, nhưng chưa có cơ quan nào quyết tâm vào cuộc. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Vương Duy Biên khi được hỏi có nên cấm biểu diễn xiếc thú, tỏ ra băn khoăn: "do còn nhiều tranh cãi".

Cục NTBD cũng là đơn vị cấp phép cho các chương trình biểu diễn, nhưng thường cấp phép cho chương trình trong thời hạn một năm. Thực tế, chương trình xiếc ở tỉnh Lào Cai do Sở VHTTDL tỉnh cấp phép, tạo điều kiện cho LĐX biểu diễn ở sân quảng trường TP Lào Cai trong thời gian từ 6 đến hết 20/10.

Voi Na sẽ ra sao?

Chiều 17/10, chị Nguyễn Thị Thanh Hà tức Hà “voi”, “mẹ của Khăm Bun” gọi điện cho phóng viên, giọng rưng rưng: “Anh em bên LĐX xiếc gọi điện báo tin “có thể con Na sẽ bị giết đấy cô ạ”. Tôi biết rõ con Na, con Nu và con Bông, con Đô ở LĐX. Con Na con Nu là át chủ bài ở đó, được diễn thường xuyên còn hai con kia thì không.

Khi đến chăm Khăm Bun, tôi thường cho cả mấy con cùng ăn. Ba năm tôi ở đó không bao giờ con Na đánh tôi. Khi tôi giơ tay chào, trêu nó, nó còn chào lại. Cho ăn đói, khát, đến nước còn không đủ mà uống, lại bị đánh đập dã man thì con vật không còn tình cảm với người.

Con Na con Nu mỗi khi ra sân khấu đều bị đánh, bị thọc đòng sắt vào cổ. Đòng sắt tức là cài dùi nhọn hoắt bằng sắt, đánh đập để voi chịu làm theo điều khiển của người. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh này và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình.

Tôi nhớ con Dông ở vườn thú Thủ Lệ, ban đầu cũng không đến nỗi nhưng từ khi người yêu của nó là con Khăm Lan chết đi, nó trở nên đặc biệt hung dữ. Nó bị xích hai chân, không ai dám đến gần, du khách muốn vứt thức ăn cho nó phải vứt từ xa. Có lần tôi bị con Dông lấy vòi cuốn, nhưng rồi nó lại thả ra. Lần ấy cậu Tiến nài voi bảo “cháu tưởng phen này bác chết”.

Tôi nghe chuyện con Na dẫm chết cháu bé mà quá đau lòng. Nghe nói cháu đi xem voi cùng bố, chui qua rào cho voi ăn mía nhưng động tác lại dền dứ.

Không được đối xử tốt dễ khiến voi hung dữ. Nhưng trừng phạt nó liệu có nên? Tôi chỉ mong người ta đưa con Na trở về Tây Nguyên, về núi rừng của nó. Nếu được thế tôi sẵn sàng góp một phần kinh phí. Từ khi con Bun chết đi, tôi cũng yếu hẳn, cũng muốn quy lắm rồi”.

Theo Hải Minh -M. Hương - DPV
Tiền Phong