1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Với tôi nghề biển là nghề vinh quang”

(Dân trí) - “Nghề nào cũng có sướng khổ, khó khăn và cái giá riêng của nó nhưng với tôi nghề biển là một vinh quang. Mỗi người đi biển cần phải biết yêu biển, bám lấy biển mà sống, tự nguyện trung thành với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Đó là tâm sự của đại thuyền trưởng - lão “kình ngư” Nguyễn Văn Ái (69 tuổi, xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) một trong những ngư dân có thâm niên trên 30 năm lênh đênh gắn bó với vùng biển. Ông nổi tiếng trên các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Vốn là con nhà ngư, sinh ra đã thấy cá và biển, tuổi thơ ông luôn gắn bó với biển, làm bạn với biển. Yêu biển, nuôi hy vọng một cuộc sống no đủ từ lộc biển nên 16 tuổi ông đã ra khơi. Ông quyết tâm bám biển và trở thành một thuyền trưởng lão luyện dẫn dắt 6 người con trai của mình cùng hàng trăm lao động trẻ vượt sóng ra khơi đem lộc biển về cho cuộc sống no đủ.
 
“Với tôi nghề biển là nghề vinh quang”

Hai ngày một lần ông Ái liên lạc với các con trên biển để nhắc nhở con đánh cá đúng hải phận, thông báo cho con những thông tin thời tiết cũng như để yên tâm về sức khỏe các con.


 

Trong ngôi nhà lầu tiện nghi khang trang, lão “kình ngư” Nguyễn Văn Ái tâm sự: “Nghề đi biển cũng lắm gian nan nhất là việc đánh bắt ngoài khơi xa lại càng nguy hiểm hơn. Nhiều lúc gặp bão bất ngờ ập đến tính mạng mình và anh em luôn bị đe dọa. Rồi có những chuyến đi đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa mình còn bị tàu nước ngoài uy hiếp nên nguyên tắc của tôi và bây giờ đến các con tôi là không được xâm phạm lãnh địa vùng biển của nước bạn đánh bắt nhằm đảm bảo an toàn cho anh em ngư dân trên tàu”.

 

Từ một gia đình ngư dân chỉ đánh bắt ở gần bờ, ban đầu ông và các con chỉ đánh bắt với những chiếc tàu công suất nhỏ 90 CV. Nhưng đánh bắt gần bờ lâu ngày nguồn cá tôm cũng cạn kiệt nên ông quyết định đầu tư đóng thuyền công suất lớn để đi đánh bắt xa bờ.

 

Ông Ái kể lại: “Ngày đó kinh tế gia đình còn khó khăn chưa có điều kiện đóng thuyền lớn để ra khơi đánh bắt. Mãi sau khi làm ăn khá hơn chút rồi được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, gia đình nâng cấp tàu lần lần từ tàu 90CV rồi đến 270CV rồi đến 900CV. Mình đánh bắt được lời thì anh em theo mình cũng không thiệt”

 

Đến nay gia đình ông Ái đã có cả 5 chiếc tàu cá lớn nhỏ đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa (lớn nhất 900CV và nhỏ nhất là 450CV) tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có mức thu nhập ổn định và nhiều người đã cất được nhà khang trang. Theo như ông Ái cho biết thì chỉ 5 tháng đầu năm đến nay các tàu của các con ông làm được trên dưới 10 tỷ đồng.

 

Có lẽ, tình yêu đối với biển, yêu cái mặn mòi của vị muối biển, tiếp nối cơ nghiệp cha anh nên 6 người con trai của lão Ái quyết bám biển để kế nghiệp cha. Vì vậy, ông Ái đã giao cho mỗi người con được sở hữu một chiếc tàu nối nghiệp của mình. Trong đó, người con đầu của lão là thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng (40 tuổi) thuyền trưởng tàu cá BĐ 94033 TS có trọng tải trên 1.500 tấn với gần 20 năm kinh nghiệm làm thuyền trưởng. Nhỏ nhất là anh Nguyễn Minh Quang (26 tuổi) cùng người anh trai là Nguyễn Văn Tèo (31 tuổi) được ông Ái giao cho sở hữu chiếc tàu BĐ 94032 TS, công suất 450 CV.

 

Dù tuổi đời các con ông Ái còn khá trẻ từ 26 đến 40 tuổi nhưng ai nấy đều là những vị thuyền trưởng có kinh nghiệm đi biển lâu năm. Các con của ông Ai đã dẫn dắt hàng trăm lao động đi khắp 21 đảo lớn nhỏ ở Trường Sa đánh bắt cá.

 

Nghề biển là nghề vất vả và cũng lắm rủi ro nên mỗi khi các con ông bắt đầu mỗi chuyến đi biển vợ chồng ông cũng thêm phần lo lắng. Vì vậy, cứ ngày hai lần ông ở nhà mở máy liên lạc với các con vừa để biết tình hình trên biển, đồng thời nhắc nhở anh em lao động. Mỗi lần như vậy, các anh em tự liên lạc với nhau chỉ cách chừng vài chục hải lý để hỏi thăm dò thành quả và hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra sự cố. Nếu một trong những tàu cá của người anh hoặc em “trúng mánh” thì sẽ liên lạc tàu cá khác lại gần để sẻ chia lộc biển.
 
“Với tôi nghề biển là nghề vinh quang”
Ông Ái tự hào khoe những con tàu cơ nghiệp của đại gia đình mình

 

Ông Ái khoe: “Các con tôi đều học tính cách của tôi khi đi biển nhất quyết không cho thuyền viên ăn uống say sưa, liên tục theo đài thông tin nắm bắt tình hình gió bão; luôn tôn trọng anh em; theo dõi con nước để tìm cá, vây cá đánh bắt mới hiệu quả vì mỗi chuyến đi tàu đánh bắt xa khơi rất tốn kém, nếu tàu về ít cá coi như lỗ nặng và anh em đi biển cũng không vui”.

 

“Các con tui 15 tuổi đã ra biển và nối đuôi nhau trở thành một đại gia đình trên vùng biển Trường sa, Hoàng sa, mặc dù ngày xưa đứa nào cũng học giỏi nhưng chúng vẫn yêu biển hơn…”, ông Ái chia sẻ.

 

Doãn Công