1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Voi, hổ, bò tót… sẽ chung kết cục như tê giác một sừng?

(Dân trí) - “Cùng với tê giác một sừng, heo vòi, bò xám hiện cũng được cho là đã tuyệt chủng. Còn số lượng voi, bò tót, hổ… cũng đang giảm sút mạnh trong môi trường tự nhiên. Tương lai các loài này sẽ đi về đâu là bài toán lớn cho các nhà nghiên cứu, quản lý”.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật trao đổi với PV Dân trí về thực trạng quản lý, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại Việt Nam.
Voi, hổ, bò tót… sẽ chung kết cục như tê giác một sừng? - 1
Voi sẽ là loài tiếp theo sau tê giác đứng trước cảnh "báo động đỏ"?

Với cá thể tê giác một sừng bị bắn chết tại vườn quốc gia Cát Tiên tháng 4 năm ngoái, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cho rằng, loài này đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Quan điểm của ông về nhận định này?

Việc đưa ra thông báo trên là kết quả một thời gian dài nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Quỹ bảo tồn tê giác quốc tế. Song so với những thông tin, số liệu được nhiều nguồn đưa ra trước đây, chưa hẳn nhận định đó đã chuẩn. Dù không thống nhất về số lượng nhưng có thể khẳng định đã có ít nhất 3 cá thể tê giác một sừng ở Việt Nam. Vậy công bố chú tê giác cuối cùng đã tuyệt chủng do săn bắn thì hai trong 3 cá thể khác đã đi đâu?

Tôi chưa thể khẳng định là vẫn còn những cá thể này tại Việt Nam hay đã hết mà cần phải theo dõi thêm một thời gian nữa.

Khi đưa ra nhận định này, WWF cũng “cáo buộc” quản lý thiếu hiệu quả, thiếu quy chế cũng như các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng các loài động vật hoang dã, quý hiếm ngày càng bị đe dọa, xâm hại tại Việt Nam?

Không hoàn toàn đúng như vậy! Đã có những nghị định, văn bản, quy định rất rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể để quản lý, bảo vệ đối với từng loài, nhóm loài dựa trên cơ sở, ý kiến của các nhà quản lý và khoa học. Luật đa dạng sinh học, Nghị định 18, 48, 32 của Chính phủ…. đã nêu rõ việc cần thiết phải bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là những loài quý hiếm đã được liệt kê chi tiết.

Các Bộ, ngành có liên quan đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn loài nhưng có một số vấn đề khách quan mà chúng ta cần phải nhìn thẳng một thực tế là, kinh tế của ta còn khó khăn, lực lượng bảo vệ mỏng trong khi tập quán, thói quen săn bắn, sử dụng các sản phẩm từ động thực vật phục vụ cho cuộc sống luôn hiện hữu. Việc săn bắt diễn ra thường xuyên nhất là với những loài có kích thước lớn bởi chúng có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó cũng có yếu tố chủ quan là sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ban, ngành dẫn đến việc khó khăn trong khâu thi hành các quy định pháp luật.

Có cảm giác chúng ta đã nói rất nhiều, cảnh báo rất nhiều về nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật quý hiếm, song thực tế vẫn chưa có những động thái, hành động mạnh nào để ngăn chặn những “kết cục buồn” với nhiều loài.. Là đơn vị thực hiện những nghiên cứu, dự án để giúp Nhà nước có cơ sở khoa học trong việc quy hoạch, hoạch định các chính sách, ông có thể nói gì về việc này?

Luật thì chúng ta có rất nhiều, kinh nghiệm học từ các nước cũng rất nhiều nhưng sự tuyệt chủng của một số loài động vật quý hiếm vẫn cứ xảy ra. Tất cả đều do cuộc sống của con người, dân số càng tăng, con người phải can thiệp vào thiên nhiên là điều đương nhiên.

Theo tôi luật phải phù hợp với cuộc sống của con người. Không thể có sự đối nghịch giữa phát triển và bảo tồn. Luật phải được xã hội chấp nhận. Luật đa dạng sinh học của ta có từ năm 2008 nhưng đến nay những nghị định, thông tư, hướng dẫn thi hành vẫn chưa xong. Thực tế có cái khó là ta không thể áp dụng số tiền phạt như nhau với hành vi xâm hại đối với từng chủng loại cụ thể. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên thế nào để bền vững cũng là một bài toán khó với các nhà quản lý.
Voi, hổ, bò tót… sẽ chung kết cục như tê giác một sừng? - 2
TS. Lê Xuân Cảnh: "Tê giác không phải loài động vật đầu tiên tuyệt chủng ở Việt Nam".

Tê giác một sừng có phải loài đầu tiên được xem là đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam?

Hiện một vài loài cũng được cho là đã tuyệt chủng như heo vòi, bò xám.

Gần đây có nhiều ý kiến cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng với nhiều loài động vật khác như bò tót, hổ, voi… Ông có ý kiến lạc quan hơn lo ngại này?

Đa dạng sinh học của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao. Nhưng, những nước có đa dạng sinh học cao lại là những nước nghèo, việc săn bắn diễn ra thường xuyên, nhất là những loài có kích thước lớn như voi, hổ bởi giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, tốc độ sinh sản của những loài này lại chậm khiến quần thể suy giảm rõ rệt, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không được quản lý tốt.

Thực tế cho thấy số lượng voi, bò tót, hổ… đã giảm sút nhiều trong môi trường tự nhiên. Đơn cử 2 quần thể voi đã được di lý về rừng ở Tây Nguyên vừa qua. Như vậy, hiện tại, ở hai nơi trước đây có voi thì hiện nay đã không còn con voi nào nữa trong khi diện tích rừng Tây Nguyên cũng đang bị thu hẹp do bị khai thác nhiều. Vậy tương lai của những chú voi sẽ đi đến đâu? Đây là bài toán lớn cho các nhà nghiên cứu, quản lý và các nhà hoạch định chính sách.

Xin cảm ơn ông!

                                                                       Ngọc Hân