Vợ Phạm Tiến Dũng có dấu hiệu bòn rút tiền của PMU 18

Ngày 19/5, bà Lê Thị Thanh Hòa (vợ của bị can Phạm Tiến Dũng, nguyên trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch PMU 18), bị triệu tập đến cơ quan điều tra, giải trình về hai phi vụ cho thuê nhà… khống, lập hợp đồng "ma" để bòn rút tiền nhà nước.

Bà Hòa là cán bộ Phòng triển khai dự án 6 (PID 6) của PMU, nơi quản lý nhiều dự án lớn. Theo tài liệu điều tra, bà Hòa có dấu hiệu ký khống nhiều hợp đồng cho chuyên gia tư vấn thuê nhà, văn phòng để rút hàng trăm triệu đồng từ ngân sách Nhà nước.

 

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, ngày 15/2/2000, Phạm Tiến Hưng (Giám đốc Ban điều hành dự án gói thầu 2, quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Chí Linh) đã ký hợp đồng thuê nhà của bà Lê Thị Thanh Hòa ở phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, cho kỹ sư tư vấn giám sát với giá 1.000 USD/tháng. Thời hạn hợp đồng 14 tháng với giá 14.000 USD.

 

Ngày 30/8/2000, Ban điều hành dự án gói thầu 2 chi gần 130 triệu đồng cho bà Thanh Hòa, người nhận là Phạm Tiến Dũng. Ngày 15/1/2001, bà Hòa tiếp tục nhận 70 triệu đồng từ Ban điều hành dự án gói thầu 2. Tuy nhiên qua xác minh bước đầu, không có ai thuê nhà và khai báo tạm trú tại địa chỉ trên. Cơ quan điều tra nghi ngờ, đây là hợp đồng ma.

Tiếp tục, đầu năm 2000, bà Hòa nói với chị Nguyễn Thị Thanh Hải, sửa nhà cho chuyên gia người Nhật thuê và trang bị nội thất theo yêu cầu. Ngày 15/2/2000, Phạm Tiến Hưng cũng đã ký hợp đồng thuê nhà chị Hải cho kỹ sư tư vấn giám sát với giá 1.000 USD/tháng, thời hạn 14 tháng, giá trị hợp đồng 14.000 USD. Sau khi ký hợp đồng xong, bà Hòa cũng không đưa hợp đồng cho chị Hải và không có ai đến nhà chị Hải ở.

 

Sau một tháng, bà Hòa yêu cầu chị Hải ký vào các giấy đề nghị thanh toán và giấy ủy quyền lĩnh tiền để Hòa lĩnh hộ. Ngày 27/3/2001, vợ Phạm Tiến Dũng nhận gần 200 triệu đồng từ ban điều hành dự án gói thầu 2. Khi chị Hải thắc mắc vì không thấy người đến ở thì Hòa đã đưa cho chị Hải 20 triệu đồng.

Qua xác minh ban đầu, cơ quan điều tra đã phát hiện không có ai thuê nhà và khai báo tạm trú tại nhà chị Hải. Chính vì vậy, theo nhận định ban đầu, bà Lê Thị Thanh Hòa có nhiều dấu hiệu đồng phạm bòn rút tiền nhà nước cùng chồng.

 

Trong ngày 18-19/5, gần chục người (gồm cán bộ một số phòng ban của PMU 18 và những người liên quan) đã phải đến cơ quan điều tra theo lệnh triệu tập.

 

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ PMU 18, cơ quan điều tra phát hiện, tại các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, giám sát nước ngoài, bên thuê (PMU 18) phải chịu chi phí ăn ở, đi lại. Lợi dụng điểm này, vợ của một số sếp PMU 18 đã ký hợp đồng cho chuyên gia tư vấn thuê nhà với mức giá gấp 3-4 lần giá trị thực. Tiền thuê nhà là do PMU 18 trả nên tất nhiên, giá cả có cao đến bao nhiêu cũng không có vấn đề gì. Không chỉ có vậy, một số hợp đồng thuê nhà là hợp đồng "ma", tức là hàng tháng PMU 18 vẫn đều đặn trả tiền thuê nhà còn chuyên gia thì không hề đến ở.

 

Một số dự án lớn cần thuê nhà cho nhiều chuyên gia, người nhà của vài sếp PMU 18 còn môi giới cho các hộ hàng xóm hoặc người thân quen cho thuê nhà theo kiểu nâng khống giá thuê 1.000-2.000 USD/tháng. Thực tế, chủ hộ chỉ được lĩnh khoảng 50% (nếu có người đến ở thật) tiền thuê. Phần còn lại do môi giới (là vợ hoặc người nhà của vài sếp PMU 18) đút túi.

 

Với những hợp đồng ma, chỉ có địa chỉ và chữ ký của chủ hộ và bên thuê, còn chuyên gia không hề đến ở thì chủ hộ có thể được nhận từ 10-20 % giá trị hợp đồng. Tính trung bình, mỗi hợp đồng (10.000-14.000 USD), các đối tượng môi giới đút túi 200-500 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, các chủ hộ có nhà cho thuê đều có hành vi trốn thuế, có nhà cho thuê không khai báo. Chính vì vậy, hiện nay cơ quan điều tra đang yêu cầu các gia đình đã tiếp tay cho một số lãnh đạo PMU 18 tự giác mang tiền đến nộp và trình báo.

 

Không chỉ cho thuê nhà, lợi dụng các điều khoản về chăm lo cho chuyên gia tư vấn, một số "thế lực đen" trong PMU 18 đã vẽ ra hàng chục khoản chi khác để rút tiền nhà nước như chăm sóc sức khỏe, thể thao, phương tiện đi lại. Hầu hết các khoản chi là các hóa đơn chứng từ khống, chuyên gia không hề được hưởng dịch vụ ghi trong hóa đơn. Một số trường hợp khác thì giá của các dịch vụ phục vụ chuyên gia như đi lại, ăn ở đã bị đội lên hàng chục lần.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên