1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Vỡ mộng giấc mơ “vàng trắng”

(Dân trí) - Đang thất thần dựng lại rừng cao su vừa bị bão càn quét, đánh đổ, anh Phương nói không thành tiếng: “Còn gì nữa đâu, bao nhiêu tài sản đổ dồn vào đây giờ tan nát hết cả rồi, phen này không biết lấy gì mà sống tiếp đây…”.

Từ nhiều năm nay, cuộc sống của hàng ngàn nông dân các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Bình - những nơi được ví là “thủ phủ” cao su của tỉnh Quảng Bình - cũng trở nên khấm khá. Thế nhưng, cơn bão số 10 vừa đi qua đã “đánh gục” người dân chỉ trong nháy mắt, khiến họ rơi vào cảnh tay trắng.

Tan hoang cây vàng trắng
Tan hoang cây "vàng trắng"
Một cành cây cao su mới bị chặt, tứa nhựa trắng xóa
Một cành cây cao su mới bị chặt, tứa nhựa trắng xóa

Chúng tôi có mặt tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy, chứng kiến khung cảnh tan hoang đến xót xa. Bạt ngàn rừng cao su xanh mướt hàng chục năm tuổi trước đây giờ đã bị gãy đổ, một số cành ngọn vẫn còn tươi nguyên nhựa trắng xóa. Hàng loạt cây bị bão đánh bật gốc, nằm ngổn ngang.

Đang thất thần dựng lại rừng cây cao su mới 5 năm tuổi, vừa bị bão đánh đổ, anh Lê Hồng Phương, ở thị trấn Lệ Ninh, chua xót: “Tan nát hết cả rồi chứ còn đâu nữa hả chú. Bao nhiêu vốn liếng đều đổ dồn vào đây, nhưng chưa đến lúc lấy nhựa đã tan hoang hết cả. Bây giờ không biết lấy chi mà sống nữa đây”.

Anh Phương cay đắng nhìn rừng cây cao su bị bão xé nát
Anh Phương cay đắng nhìn rừng cây cao su bị bão "xé nát

Gia đình anh Phương lên đây lập nghiệp từ năm 1997, ban đầu nhận thấy trên vùng đất này cây cao su phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế cao nên mới bắt tay vào trồng. Sau mấy năm trời khai hoang, vỡ đất, anh mới trồng được chừng 3 ha. Dần dần, vợ chồng anh dồn tất cả vốn liếng thu được từ chăn nuôi, cộng thêm vay nợ ngân hàng để mua giống và phân bón mở rộng diện tích cây cao su. Đến thời điểm trước bão số 10 đổ bộ, gia đình anh đã trồng được gần 10 ha. Tuy nhiên, chưa đến thời kỳ thu lợi cũng là lúc gia đình anh rơi vào cảnh tay trắng. Để cứu vãn một phần thiệt hại, anh Phương phải mượn vài người dân trong thôn để chặt cây chống đỡ.   

Anh Phương cay đắng nhìn rừng cây cao su bị bão xé nát

Sau khi bão tan, vợ chồng anh Ngô Phi Hoàng ở thị trấn Lệ Ninh tất tưởi chạy ra rừng cũng đau xót khi thấy vườn cao su 6 năm tuổi bị tan hoang. Trước mắt anh, hàng loạt cây cao su bị gãy, đổ tan nát gần hết khiến vợ chồng anh hoàn toàn suy sụp. Vợ anh đã ngất lịm ngay giữa rừng cây.
 
Từ ngày rời miền quê lúa Đại Phong, xã Phong Thủy lên đây lập nghiệp, vợ chồng anh cũng như bao người dân khác đã xem cây cao su như là chiếc phao cứu sinh thay đổi cuộc sống. Sau bao nhiêu tháng ngày vất vả, mồ hôi thấm đẫm vào từng tấc đất, anh mới xây dựng được cơ nghiệp hơn 10 ha cây cao su. Chưa dám mơ đến sự giàu sang nhưng anh luôn tin tưởng rằng chừng vài năm sau khi vườn cây cao su cho nhựa, gia đình anh sẽ có một cuộc sống no đủ. Thế nhưng, khi giấc mơ ấy chưa thành hiện thực, tất cả đã tan hoang thì thiên tai.

Anh Hoàng chặt bỏ bớt cành, nhánh để dựng lại cây và tiếp tục chăm sóc 
Anh Hoàng chặt bỏ bớt cành, nhánh để dựng lại cây và tiếp tục chăm sóc 

Hai ngày qua, anh Hoàng như kẻ mất hồn, hễ bước ra rừng cao su là ruột gan anh như thắt lại. Nuốt nỗi đau vào trong, anh nói: “Biết là rất tiếc của nhưng biết làm sao được, bởi có ai tránh được thiên tai đâu. Bây giờ còn sót lại cây nào cũng cố mà chặt cành dựng lại, đắp thêm đất và phân bón để chăm sóc cho cây hồi sức. Có thể cây sẽ chậm thêm dăm năm nữa mới cho nhựa nhưng cũng không còn cách nào khác”.

Trong số những gia đình đầu tư phát triển cao su tiểu điền thì phần lớn đi vay nợ ngân hàng. Bây giờ nợ cũng chưa trả xong mà cao su cũng bị hư hại gần hết.

Một cây cao su gần 20 năm tuổi bị bão đánh bật gốc
Một cây cao su gần 20 năm tuổi bị bão đánh bật gốc

Nói đến thiệt hại của cây cao su, cũng phải kể đến hàng ngàn công nhân đang làm việc cho các Công ty cao su trên địa bàn đang rơi vào cảnh sống hết sức bấp bênh do nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.

Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Phan Văn Dũng (SN 1986) cùng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy rời vùng quê Hồng Thủy lên đây nhận rừng từ Công ty Lệ Ninh để lập nghiệp. Vợ chồng anh được công ty giao khoán 3 ha để tự chăm sóc, thu hoạch. Kể từ đó, cây cao su như là chiếc “cần câu cơm” để 2 vợ chồng kiếm sống. Nguồn thu nhập mỗi tháng vợ chồng anh kiếm được cũng chỉ tầm 2 – 3 triệu đồng, chưa đủ để trang trải mọi thứ. Nay hầu hết rừng cây đã bị bão đánh gãy khiến vợ chồng anh thêm lo lắng vì chắc chắn số cây còn lại cũng không cho nhựa được bao nhiêu.

Anh Dũng lo lắng vì sắp tới cuộc sống gia đình anh sẽ rất bấp bênh do nguồn thu nhập bị giảm sút
Anh Dũng lo lắng vì sắp tới cuộc sống gia đình anh sẽ rất bấp bênh do nguồn thu nhập bị giảm sút

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 18.000 ha cây cao su thì đã bị bão đánh gãy hơn 10.000 ha. Một con số không hề nhỏ, kéo theo đó là sự khó khăn của hàng ngàn hộ dân.

Chị Dương Thị Hằng đang ngậm ngùi chặt bỏ số cây cao su bị gãy.
Chị Dương Thị Hằng đang ngậm ngùi chặt bỏ số cây cao su bị gãy.

Đăng Đức